Đến hẹn lại lên, bước sang tháng 5, nỗi lo âu về kịch bản "Sell in May and go away" (Bán chứng khoán vào tháng 5 và đi chơi) ùa về chi phối tâm lý bất kỳ nhà đầu tư nào trên thị trường. Một phần do đây là khoảng thời gian “trống thông tin”, bên cạnh đó những con số của mùa báo cáo lợi nhuận quý 1/2023 sẽ khép lại.
Trong quý đầu năm thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực như việc NHNN 2 lần hạ lãi suất điều hành và ban hành những chính sách quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trước sự lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng như căng thẳng địa chính trị đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Trước những thông tin tốt xấu đan xen, VN-Index diễn biến giằng co qua các tháng. Đà giảm những ngày cuối tháng 4 được cho là tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, chờ xu hướng rõ ràng mới xuống tiền.
Không chỉ về điểm số, dòng tiền vào thị trường đã có sự rút lui kể từ nửa sau tháng 4. Hơn nữa, đầu tháng 5 có kỳ nghỉ lễ và sau đó vào mùa cao điểm du lịch. Người dân có xu hướng rút tiền ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán để phục vụ chon nhu cầu cá nhân, thanh khoản thị trường có xu hướng sụt giảm theo. Việc dòng tiền rút đi nhanh chóng càng khiến nhà đầu tư lo ngại về kịch bản không mấy êm ả với VN-Index khi tháng 5 đang tới gần.
Dù hiện tượng "Sell in May" đã được kiểm chứng, song những con số lịch sử - đặc biệt trong thời gian gần đây - lại đang mang lại điều tích cực. Thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam 22 năm bình quân tăng 1,13% vào tháng 5, chỉ số có 13 năm giảm điểm và 9 năm tăng điểm.
Đáng chú ý, trong 8 năm gần nhất (2015-2022) thì có tới 5 năm chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm. Thậm chí, trong 2 năm gần đây là năm 2020 và 2021, VN-Index còn có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 12,4% và 7,15%.
Những con số thống kê trên phần nào cho thấy "Sell in May" đang dần không tác động quá nhiều tới TTCK Việt Nam như quan niệm của giới đầu tư bấy lâu nay.
Lợi nhuận quý 1 kém sắc có tạo ra sức ép “Sell in May” năm nay?
Theo quan sát của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco , việc lợi nhuận quý 1 kém tích cực có thể tạo áp lực bán trong một số phiên đầu tháng 5, song mức độ không quá lớn. Bởi kết quả kinh doanh quý 1 nghiêng về kịch bản kém khả quan đã được dự báo từ trước, giá cổ phiếu phần lớn đều không tăng quá mạnh trong tháng 4 vừa qua.
Hơn nữa, lượng margin trên thị trường không còn cao, ước tính tới cuối quý 1/2023 khoảng 120.000 tỷ đồng (giảm 40% so với đỉnh margin thiết lập trong Quý 1/2022), như vậy áp lực bán giải chấp khả năng không quá mạnh.
Đồng thời, các thông tin hỗ trợ thị trường đã và dự kiến được ban hành (như việc giữ nhóm nợ các khoản cho vay của ngân hàng, tháo gỡ nút thắt thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp, pháp lý bất động sản, giảm thuế VAT...) kỳ vọng sẽ giúp thị trường phục hồi rõ ràng hơn trong thời gian tới.
"Những nhịp điều chỉnh sẽ khá thích hợp để nhà đầu tư giải ngân, do nhiều thông tin hỗ trợ đang xuất hiện và kết quả kinh doanh kém tích cực đã được bộc lộ trong Quý 1. Về nhóm ngành, nhà đầu tư có thể theo dõi nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền để trading như bất động sản, thép, chứng khoán. Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng có thể tích lũy tại các nhịp đi ngang của thị trường và nắm giữ trung hạn", ông Khoa đánh giá.
Bàn về hiệu ứng “Sell in May”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TPHCM Chứng khoán DSC cho rằng không quá đáng ngại. Bởi hầu hết các cổ phiếu để trong tình trạng thiếu cầu, nhưng cũng cạn cung. Độ “trơ” của thị trường thể hiện qua thanh khoản cực thấp. Hiệu ứng “Go away” cũng không đáng lo, vì nhiều NĐT đã rời bỏ thị trường từ sau những biến động năm 2022. Do đó, chuyên gia cho rằng thị trường vẫn tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp, nhưng “Sell in May & Go away” năm nay không đáng ngại.
Vị chuyên gia DSC đánh giá rằng thị trường đang ở vùng tích lũy, lực cản là vĩ mô chưa quá tích cực còn lực đẩy là chính sách đang hỗ trợ. Thị trường sẽ tích lũy đến khi bức tranh sáng dần. Thời gian qua cũng có nhiều cổ phiếu tăng tốt nhờ có những câu chuyện riêng, những kỳ vọng riêng. Nếu nền kinh tế tốt dần lên, chuyên gia cho rằng sẽ có thêm nhiều câu chuyện và thị trường khi đó sẽ sôi động hơn.