Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông báo doanh thu trong quý II suy giảm 5% về mức 14.930 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 11% xuống 6.076 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp giảm từ 43,6% xuống 40,7%.
Doanh nghiệp cho biết lạm phát tăng cao dẫn đến sức tiêu thụ giảm. Giá trị tiêu thụ toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh giảm 2% trong 5 tháng đầu năm và cạnh tranh nhiều hơn khi có nhiều công ty mới gia nhập thị trường sữa.
Hoạt động xuất khẩu vẫn tương đương cùng kỳ. Trong đó hoạt xuất khẩu trực tiếp suy giảm do sức mua thị trường nước ngoài giảm trong ngắn hạn và giá cước vận chuyển vẫn neo ở mức cao. Ngược lại, hoạt động các chi nhánh ở nước ngoài như Driftwood và Anglormilk tăng 22% so với cùng kỳ nhờ ít bị ảnh hưởng của chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng ổn định hơn.
Vinamilk cũng lý giải biên lợi nhuận xuống mức thấp 40,7% do nền giá nguyên vật liệu vẫn cao hơn cùng kỳ, nhưng đã bắt đầu hồi phục so với quý liền trước. Điều này nhờ tiêu thụ sữa trong mùa hè cao hơn quý đầu năm, giá bán được điều chỉnh và biên lợi nhuận gộp dòng sữa tươi 100% cải thiện.
Công ty sữa kỳ vọng biên lợi nhuận gộp các quý tiếp theo sẽ duy trì và cải thiện nhờ giá một số nguyên vật liệu chính đầu vào đã cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh.
Doanh thu tài chính tăng 17% lên 342 tỷ đồng do số dư tiền gửi ngân hàng tăng mạnh. Tuy nhiên chi phí tài chính cũng cao gấp 3,2 lần lên 135 tỷ đồng do tăng lỗ tỷ giá và chi phí tài chính khác.
Các chi phí bán hàng tăng 4% lên 3.316 tỷ đồng và chi phí quản lý giảm 3% xuống 377 tỷ đồng. Vinamilk lý giải do tăng chi phí vận chuyển gia tăng và tăng chi phí bán hàng để hỗ trợ sức mua.
Với các biến động trên, công ty đầu ngành sữa báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm 27% xuống 2.102 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý IV/2017 đến nay.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần đi ngang ở mức 28.808 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 20% xuống 4.386 tỷ đồng. Vinamilk đã thực hiện được 45% tiến độ doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Quy mô tổng tài sản có xu hướng nhích nhẹ so với đầu năm lên 53.842 tỷ đồng. Trong đó doanh nghiệp có lượng tiền và tiền gửi ngân hàng lên đến 23.843 tỷ đồng , chiếm 44% tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho có xu hướng tăng nhẹ so với đầu năm.
Về kế hoạch đầu tư, Vinamilk dự kiến rót 2.083 tỷ đồng vào dự án nhà máy sữa Mỹ Hào (Hưng Yên) với quy mô 200 triệu lít sữa/năm; góp thêm 1.522 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật để phát triển dự án bò thịt 10.000 con và cơ sở chế biến thịt quy mô 30.000 con/năm tại Tam Đảo.