Hạ tầng

Lối thoát nào cho dân tái định cư sân bay Long Thành?

Hầu hết người lớn tuổi chuyển đến khu tái định cư chỉ buôn bán nhỏ lẻ nhưng ế ẩm, thất nghiệp vì quá tuổi lao động. Nhà máy, xí nghiệp không nhận và họ cũng không thể học nghề.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành được Thủ tướng quyết định giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án là 306 tỷ.

Với nhiệm vụ tổ chức thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… thì thực tế sau 2 năm kể từ khi người dân vùng dự án chuyển đến nơi ở mới, đề án giải quyết việc làm cho người dân được chính quyền địa phương vẽ ra đã "phá sản".

Thất bại

Hai năm qua, những người dân nhường đất cho siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tưởng đã có một cuộc sống đổi thay sau khi chuyển đến khu tái định cư chất lượng cao ở Lộc An, Bình Sơn (Đồng Nai).

Thế nhưng nghịch lý xuất hiện ở chỗ, ngồi trên đống tiền tỷ, họ lại không thể làm gì kiếm ra tiền. Trong bối cảnh mới, người nông dân thì thất nghiệp, người buôn bán thì "không gặp" khách, người vừa hơn 40 tuổi đã phải bất đắc dĩ "ngồi chơi xơi nước" ở nhà.

Trao đổi với Zing sau loạt bài phản ánh về thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đồng Nai thừa nhận vấn đề này đang là thách thức, là bài toán chưa tìm ra câu trả lời của ngành lao động địa phương.

Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết vấn đề nan giải nhất của địa phương khi bắt tay vào giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người dân là nhóm quá độ tuổi lao động (từ 60 tuổi trở lên). Hiện, địa phương rất nỗ lực tìm cách nhưng chưa có giải pháp phù hợp.

Người dân làm nông, chăn nuôi chuyển sang buôn bán cũng không khá hơn do không có nguồn khách từ bên ngoài. Ảnh: Chí Hùng.

Bà Hiền khẳng định câu chuyện tổ chức giới thiệu việc làm không khó, nhưng việc làm được giới thiệu lại không phù hợp với người dân, dẫn đến dân không có nhu cầu làm. Mặt khác, với những ngành nghề phù hợp thì một là quá xa, hai là doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng.

Theo thống kê của Đồng Nai sau 3 năm, có khoảng 5.000 hộ với hơn 15.500 nhân khẩu trong vùng dự án bị ảnh hưởng. Trong số này, khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Đến nay, UBND huyện Long Thành đã bố trí tái định cư cho 3.900 hộ, số còn lại đang được xét duyệt cấp đất tái định cư.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH thừa nhận thực trạng lượng lớn người lớn tuổi tại khu tái định cư trên địa bàn thất nghiệp là đúng, song đây cũng là tình hình chung ở các dự án giải tỏa trắng. Vì người dân mất nơi sản xuất nhưng độ tuổi lại không phù hợp đào tạo nghề, và rất khó để xin việc làm phù hợp độ tuổi.

“Đây thật sự là vấn đề nan giải, có nhiều người đã ngoài độ tuổi lao động nhưng họ vẫn là thu nhập chính của gia đình. Mình chỉ có thể làm hết khả năng và giới thiệu cho họ những gì mình có. Chứ khó có thể nghĩ ra việc cho họ”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói.

Nhiều người đã ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn là thu nhập chính của gia đình

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai

Quá trình giới thiệu việc tại địa phương, Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân rất ít. Mặt khác, trong số hơn 500 hồ sơ đăng ký hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo việc làm, địa phương chỉ lọc ra được hơn 90 hồ sơ đủ điều kiện.

“Điều kiện ở đây là người đó hiện phải chưa có việc làm, trong độ tuổi lao động. Chính sách được áp dụng trong thời hạn 5 năm, kể từ sau khi thu hồi đất”, bà Hiền lý giải.

Người dân mở quán xá tại khu tái định cư sân bay Long Thành nhưng lâm cảnh ế ẩm trong 2 năm liền, khách hàng chủ yếu là hàng xóm, đội thợ xây nhà. Ảnh: Chí Hùng.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH cho hay chính sách hỗ trợ người bị thu hồi đất được đào tạo nghề ngắn hạn với mức tối đa không quá 3 triệu đồng/người; nếu người dân đăng ký học trung cấp hoặc cao đẳng được miễn phí hoàn toàn học phí khóa học theo quy định Chính phủ.

Trong khi đó, phần lớn người dân lại có nhu cầu đăng ký học bằng lái xe B2 (học phí dao động hơn 15 triệu đồng). Tuy nhiên, mức hỗ trợ tối đa đối với tất cả nghề ngắn hạn là 3 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa phần tiền còn thiếu trong gói học bằng lái xe B2 phải do người dân chi trả.

“Người dân hiểu lầm chính sách miễn phí hoàn toàn và hộ nào cũng đăng ký học lái xe B2, khi nghe đóng thêm thì họ không đi học”, bà Hiền cho hay.

Cần thêm 5 năm

Cùng thời gian hơn 3.000 hộ dân vùng dự án chuyển về tái định cư, 11 dự án trường học, công viên, bệnh viện, chợ... cũng được triển khai, xây dựng. Tuy nhiên đến nay, ngoài 2 công trình trường và trụ sở HĐND - UBND xã đã hoàn thiện nhưng chưa hoạt động, các dự án còn lại vẫn đang "trơ khung" giữa công trường không có "bóng" công nhân.

Thực tế này cho thấy bên cạnh vấn đề khó tìm việc, những dự án phục vụ đời sống dân cư chưa hoàn thiện đã khiến đời sống những người dân nơi đây khó khăn hơn.

Trao đổi với Zing, thạc sĩ Lê Thành Nhân, Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng một khía cạnh khác của câu chuyện này là người dân đang kỳ vọng đất tại khu vực sẽ lên giá. "Trước đây khi bất động sản nóng lên, nhiều người đến đây mua dự án… nhưng mục đích để đầu tư, đầu cơ nhiều thì khu vực này sẽ cần thời gian rất lâu để trở nên sầm uất, thu hút người đến sinh sống".

Do đó, ông Nhân nhìn nhận trừ khi xuất hiện những cụm hoạt động, ngành nghề khác cùng phát triển xung quanh sân bay, sự phát triển dân cư mới được tốt hơn.

"Về lâu dài, vẫn phải trông chờ vào sân bay sớm hình thành để kéo theo sự phát triển kinh tế xung quanh, lúc đó người dân mới cảm thấy được an cư, lạc nghiệp. Họ cũng có nhiều lựa chọn tìm kiếm công việc, kinh doanh", chuyên gia Lê Thành Nhân phân tích.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, ông Nhân chỉ ra nhiều dự án nhà ở tại TP Thủ Đức (TP.HCM) cũng gặp tình trạng không có người ở vì hầu hết dân mua để đầu tư.

Người dân chủ yếu làm rẫy, chăn nuôi trước khi chuyển đến khu tái định cư dẫn đến thất nghiệp vì quá tuổi lao động, không trong độ tuổi đào tạo nghề, các nhà máy không nhận. Ảnh: Phạm Ngôn.

"Do đó, nếu người được bồi thường đất, họ có xu hướng chờ đợi rao bán. Và khi thị trường bị 'đóng băng', họ chôn gần như toàn bộ vốn và cuộc sống tại đó", thạc sĩ Lê Thành Nhân nói.

Làm sao để giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân tái định cư sân bay và những thế hệ nối tiếp của họ trong bối cảnh này là một câu hỏi không dễ tìm lời giải. Ông Nhân nhận định địa phương cần có những đánh giá tiệm cận hơn và có động thái quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn, 1-2 năm sẽ rất khó để kỳ vọng khu vực này "phất" lên.

Trong khi niềm hy vọng của người dân tại khu tái định cư đổ dồn vào tiến độ xây dựng sân bay Long Thành để cải thiện cảnh đìu hiu, thì giai đoạn 1 siêu dự án đang đứng trước nguy cơ trễ hẹn. Lý do là sau lần gọi thầu thất bại đầu tiên, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) phải xin gia hạn thời gian thực hiện để mời thầu khác có đủ năng lực.

Như vậy, dự kiến công trình nhà ga quốc tế lùi đến năm 2026 mới hoàn thành, trong khi chủ trương được Quốc hội phê duyệt là tháng 12/2025 phải xong.

Mối liên hệ giữa đời sống dân cư khu vực và tiến độ dự án siêu dự án sân bay cũng được ông Lê Thành Nhân chỉ rõ, là khi sân bay Long Thành sớm hoàn thiện để kéo theo sự phát triển xung quanh. Hiển nhiên, khi dự án phát triển nhanh, các vấn đề khác về việc làm, người lao động, kinh tế... sẽ được giải quyết.

Với thực tế trên, ga quốc tế sân bay Long Thành cần ít nhất 4 năm để đưa vào sử dụng, và cần ít nhất 1-2 năm để bán kính 10 km quanh sân bay phát triển xôm tụ về dịch vụ, con người, việc làm. Từ đó, mất khoảng 5-6 năm, người dân mới nhận về đúng giá trị nơi đang ở và có thêm hy vọng về một tương lai khởi sắc.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/loi-thoat-nao-cho-dan-tai-dinh-cu-san-bay-long-thanh-post1413843.html