Theo Báo cáo quý II/2022 của VARs, thị trường bất động sản đang trong thế "giằng co" nhằm quan sát thêm những diễn biến vĩ mô. |
Theo đó, chia sẻ tại sự kiện công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2022 với chủ đề dòng tiền khó vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính cho rằng thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay.
Cùng với sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, giá nhà vẫn tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại. Nguy cơ lạm phát một lần nữa thúc giục nhu cầu sở hữu và cất giữ tài sản; trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu.
"Đây là giai đoạn dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, đồng thời cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh. Giai đoạn dòng tiền dễ đã thực sự đi qua, cùng với đó là chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh; trong đó có bất động sản", Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính nhận định.
Cũng tại Báo cáo thị trường Quý II, các chuyên gia của VARs cũng cảnh báo, việc mua nhà để đầu tư, đặc biệt khi sử dụng các đòn bẩy tài chính cần được cân nhắc. Dòng tiền cần chờ đợi những cơ hội thực sự an toàn trong tương lai sau khi cân nhắc kỹ càng những yếu tố vĩ mô.
Bên cạnh đó, ở góc độ tích cực, theo VARs, sự phục hồi của nền kinh tế kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ… Đặc biệt trong tình hình nguồn cung bị thắt chặt bởi nhiều lý do, mặt bằng giá bất động sản tăng lên trong thời gian tới là điều mà các nhà đầu tư cũng có thể xem xét, tính đến.
Đối với diễn biến của thị trường nửa cuối năm 2022, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường đang trải qua thời kỳ tái cân bằng, giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng bởi lạm phát, nhu cầu về nhà ở cao mà nguồn cung hạn chế... Trong khi đó, thanh khoản lại giảm bởi dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
"Nếu những nút thắt này không sớm được tháo gỡ thì thị trường có thể rơi vào giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho doanh nghiệp. Giai đoạn này cần có chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra mềm”, Chủ tịch VARs nhận định.
Kiến nghị một số giải pháp nhằm ổn định thị trường trước những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay, theo VARs, nhà nước cần thúc đẩy nhanh việc sửa đổi luật để tạo ra một hành lang thông thoáng; việc kiểm soát dòng tiền cần cân đối với việc hỗ trợ các phân khúc một cách chọn lọc.
Bên cạnh đó, VARS cho rằng, nên tạo hành lang thuận lợi cho kênh phát hành trái phiếu, quỹ đầu tư tín thác để đa dạng hóa nguồn vốn; đồng thời, có biện pháp kiểm soát thích ứng lạm phát.
Khuyến nghị với các nhà đầu tư, Tiễn sĩ Nguyễn Văn Đính cho rằng việc sử dụng vốn minh bạch, hiệu quả, đặc biệt từ các nhà đầu tư thứ cấp; không nên tham gia vào vòng xoáy của cơn sốt đất; các sàn giao dịch nghiêm túc thực hiện vài trò của mình...