Tiếp tục thảo luận về tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 chiều ngày 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan ngại khi tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công, đất đai do còn nhiều vướng mắc, bất cập trong việc ban hành và thực hiện pháp luật hay những tồn tại, hạn chế về quản lý, sử dụng tài sản công như trụ sở làm việc, nhà công vụ… tiếp tục diễn ra nhức nhối, tràn lan ở mọi nơi.
Nhức nhối tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, vốn đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho biết dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được xây dựng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Dự án kéo dài khiến 119 hộ dân vùng lòng hồ của dự án thuộc bản Thanh Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản phát triển sản xuất. Hàng năm lãng phí khoảng 17 tỷ đồng từ nhà máy thủy điện trong lòng hồ do không thể tích nước phát điện.
"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia mất nhiều thời gian lại bố trí không đủ vốn, không kịp thời và những thay đổi của pháp luật đã làm chậm tiến độ, làm tăng vốn đầu tư, đến nay vẫn còn tiếp tục vướng mắc về pháp luật đầu tư công", bà Thuỷ nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đưa ra dẫn chứng về các dự án đầu tư công chậm tiến độ, làm tăng vốn đầu tư, gây lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy lấy dẫn chứng thêm dự án hồ chứa nước Ka Pét tỉnh Bình Thuận chỉ là dự án nhóm B, công trình cấp 2 nhưng phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội nên phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục. Đến năm 2019 mới được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó phải chờ phân bổ vốn.
Khi được phân bổ vốn đầu tư công thì đơn giá xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và trồng rừng thay thế đã tăng rất cao nên phải xin điều chỉnh chủ trương.
Chính phủ gần như đứng vai trò trung gian làm thủ tục xin Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án hồ chứa nước Ka Pét cứ thế trong vòng luẩn quẩn, đến nay vẫn chưa triển khai được…
Liên quan đến đất đai, Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, chỉ rõ ở rất nhiều địa phương còn rất nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu; hàng loạt các lô đất vàng vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng.
"Vậy tới đây sửa đổi Luật Đất đai có khắc phục được tình trạng này không? Các bộ, ngành có phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất đai hay không?", bà Minh đặt vấn đề.
Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu tại phiên thảo luận.
Với việc đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan nhà nước, đại biểu cho rằng, có một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không hợp tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương.
Ngoài ra, nhiều đại biểu Quốc hội còn chỉ rõ về tình trạng nhiều doanh nghiệp làm lãng phí vốn nhà nước và việc lãng phí thất thoát tài nguyên đất đai trong quá trình cổ phần hóa.
Nhiều dự án bế tắc do quy định pháp luật
Giải trình về những vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận công tác thực hành tiết kiệm thời gian qua đạt được những kết quả rất tốt, thể hiện bởi những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách đạt 6,9 triệu tỷ đồng, tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, chiếm 25% GDP. Cùng với đó, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020, tỷ trọng chi đầu tăng từ 22,9% lên đến 29%, bội chi ngân sách đạt 3,37%...
Đặc biệt, bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ, khi các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%...
Tuy nhiên, theo Tư lệnh ngành Tài chính, Việt Nam là quốc gia đang phát triển và đổi mới mạnh mẽ nên quy định của pháp luật thường đi sau thực tiễn, do đó, cần thiết khung khổ pháp lý cần đi nhanh và hoàn thiện nhanh chóng, tạo đà cho sự phát triển và tạo đà cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng khẳng định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị nên văn bản quy phạm pháp luật phải được hoàn thiện; đồng thời, phải truy trách nhiệm của cơ quan quản lý và giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc điều hành phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn.
Chỉ rõ những vướng mắc trong quy định hiện hành tại Luật Đầu tư công khiến việc triển khai các dự án chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ví von nhiều quy định giống câu chuyện về “quả trứng, con gà”.
"Con gà" có trước hay "quả trứng" có trước là một trong nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần.
Cụ thể, Luật Đầu tư công quy định dự án đầu tư phải được phê duyệt trước ngày 30/10 hàng năm thì mới được bố trí vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Luật cũng quy định phải bố trí vốn thì mới được lập dự án và thiết kế.
Thêm vào đó, sau khi được cấp vốn, thời gian lập dự án phải mất 1 năm; đền bù giải phóng mặt bằng mất thêm 1 năm, như vậy mất đến 2 năm chưa giải ngân được.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng cần tách riêng giải phóng mặt bằng như một tiểu dự án để đi trước một bước, còn lại phần xây lắp tách thành dự án riêng, nhà thầu có thể nhận mặt bằng và thi công ngay, có khối lượng và giải ngân ngay được. Vừa qua, Quốc hội quyết định các dự án nhóm A tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.
Từ đó, tránh hiện tượng khi ký hợp đồng xong, có tiền nhưng chưa giải phóng mặt bằng xong, đồng tiền có khi lại chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Hay như trong Luật Đầu tư công quy định tiền sửa chữa các công trình như nhà ở, đường sá, xe cộ…, nghĩa là việc sửa chữa phải được ghi vào kế hoạch đầu tư công mới được triển khai.
Vì vậy, “gần như các cơ quan, đơn vị rất bế tắc, bởi nhà hỏng, hàng rào sập cần có vốn để sửa chữa thì không làm được”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu khó khăn và đề nghị việc sửa chữa với giá trị dưới 15 tỷ đồng không phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, giúp tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng theo Tư lệnh ngành Tài chính, vướng mắc trong Luật Đất đai hiện hành khiến chậm tiến độ thu hồi đất, bởi sau khi có quyết định thu hồi, cơ chế đền bù, bồi thường cho nhà đầu tư đã đầu tư trên đất vẫn nằm trên giấy, không triển khai được trên thực địa...
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu những vướng mắc trong các luật khiến các dự án BT chững lại.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ vướng mắc, Bộ Tài chính hiện đang xây dựng các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô (Nghị định 04), quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí…
Dự kiến tháng 11/2022, Chính phủ sẽ ban hành quy định về sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính công khai 2 lần trên cổng thông tin điện tử và lấy ý kiến các tỉnh thành, đơn vị sử dụng ngân sách để hoàn thiện dự thảo.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội ngày 11/10, từ 2016-2021, đã có hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí, bao gồm nhiều dự án đầu tư công sai phạm và phải xử lý hình sự. Tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng.
Hàng nghìn dự án chậm tiến độ với số lượng tăng dần qua các năm, trong đó chủ yếu là dự án lớn, trọng điểm quốc gia tuyến đường sắt thí điểm thành phố đoạn Nhổn - ga Hà Nội; số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên…