Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến đất đai như vốn hóa, thu hồi đất,...
Quốc hội tăng thời gian thảo luận
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Quốc hội dự kiến bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 1 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Theo đó, trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 1 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng thời, đồng chí Bùi Văn Cường cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên Truyền hình Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi),…
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 23,5 ngày, diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 19/11/2022.
Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).
Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương).
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thiết kế gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc phản biện nhiều vấn đề
Liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngày 15/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật nói trên.
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến thì sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành cũng đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, theo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đang có nhiều ý kiến cho rằng một số qui định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các qui định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính.
Công tác phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cũng cần được qui định rõ hơn.
Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, một số nội dung cần cân nhắc, xem xét cẩn trọng khi xây dựng Luật Đất đai mới gồm: các ý kiến đóng góp của xã hội gồm việc thể chế hóa những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Những nội dung nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất.
Làm rõ tiêu chí giao đất, cho thuê đất, đặc biệt cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng; tiêu chí, hạn mức giao các loại đất, trong đó qui định rõ hạn mức đất giao cho tôn giáo, loại giao không thu tiền, có thu tiền sử dụng đất.
Đặc biệt, một trong những nội dung được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lưu ý khi thảo luận, xây dựng Luật Đất đai sửa đổi là việc cần hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư (Chương VII Dự thảo), thể chế hóa quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo. Trong đó cụ thể là quy định về bỏ khung giá đất theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, tác động của việc bỏ khung giá đất, lộ trình thực hiện và cần quy định cụ thể như thế nào trong dự thảo Luật đất đai. Các quy định nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục việc lợi dụng; lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.