Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Một trong những mục tiêu của sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Việc sửa đổi Luật Dầu khí ngoài những bất cập như hiện nay thì cũng nâng cấp thêm, hướng đến những quy định cập nhật với thông lệ quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Đặc biệt, một trong những mục tiêu và nội dung sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian. Đây cũng là một trong những cơ chế ưu đãi, thông qua đó làm cho hoạt động dầu khí trong nước hấp dẫn hơn.
Nếu có một môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư thì đó cũng là một cơ chế thu hút đầu tư. Thêm nữa, khi thiết kế Luật lần này chúng ta thấy các biện pháp ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động dầu khí có rất nhiều thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ví dụ, theo cơ quan soạn thảo, các quốc gia vẫn sửa đổi ưu đãi đầu tư để nhằm tăng cường thu hút trong hoạt động đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.
Trong bối cảnh quốc tế, hiện nay có rất nhiều chính sách và cũng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động về thu hút đầu tư. Tôi nhận thấy rằng lần này ban soạn thảo đã nghiên cứu nghiêm túc, bước đầu đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, ở đó tính đến cạnh tranh với khu vực, thế giới như đã giảm thuế dành cho các hoạt động dầu khí để tương ứng với mức trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh.
Ngoài ra, trong bối cảnh thay đổi của hệ thống thuế toàn cầu, ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách ưu đãi thông qua công cụ là thuế. Trong dự thảo Luật Dầu khí cũng đã thiết kế một cơ chế ưu đãi đặc biệt, hướng đến sự linh hoạt hơn, phù hợp hơn với từng trường hợp, đối tác và trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Trong dự thảo Luật có sự phân định rạch ròi giữa doanh nghiệp Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động dầu khí. Điều này có đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
Vai trò của cơ quan dầu khí quốc gia thì trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau. Hiện nay, như trong dự thảo chúng ta đang chọn một mô hình tương ứng với một số quốc gia trong khu vực, có nghĩa rằng cơ quan dầu khí quốc gia đóng hai vai trò: Thứ nhất, như một doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh dầu khí. Thứ hai, là một doanh nghiệp nhưng được ủy quyền thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí.
Nếu lựa chọn mô hình như trong dự thảo thì nên xem xét cơ chế để kiểm soát việc xung đột lợi ích. Bởi, một cơ quan đồng thời thực hiện hai chức năng có thể dẫn đến xung đột lợi ích và có thể bị lạm dụng lợi ích khi họ được trao một số quyền.
Đối với dự thảo này, tôi mong muốn cơ quan soạn thảo nên đánh giá kỹ lợi ích và chi phí của việc ta nên chọn mô hình nào trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này, theo ông, cơ quan soạn thảo cần phải lưu ý thêm những điểm gì?
Một trong những nội dung sửa đổi của Luật lần này theo tôi đó là hài hòa các quy định, đặc biệt quy định của Luật Dầu khí với các Luật có liên quan.
Một là dự thảo luật có mong muốn làm rõ nếu như có các quy định khác nhau thì nên áp dụng quy định nào, thì nguyên tắc đưa ra là sẽ áp dụng quy định của Luật Dầu khí.
Thêm nữa, có dự án dầu khí theo chuỗi, dự thảo đã bắt đầu thiết kế những quy định cho dự án dầu khí theo chuỗi bao gồm rất nhiều hoạt động, nhằm giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện và triển khai hoạt động dầu khí.
Tôi cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng nhưng về mặt kỹ thuật cũng sẽ có những thách thức và ban soạn thảo cần rà soát, quy định càng chi tiết càng tốt, mang tính khả thi có thể áp dụng được.
Bên cạnh đó, có một số điểm cơ quan soạn thảo cần lưu ý thêm như sau: Ngoài nội dung ưu đãi về hoạt động dầu khí, tôi cũng mong muốn đẩy mạnh hoạt động điều tra cơ bản, vì điều tra cơ bản rất quan trọng nhằm phát hiện tối đa tiềm năng dầu khí. Tuy nhiên, trong dự thảo tôi chưa thấy các chính sách, biện pháp ưu đãi đầu tư trực tiếp chưa bao gồm hoạt động về điều tra cơ bản.
Tôi cho rằng, nên mở rộng phạm vi về biện pháp ưu đãi đầu tư, cho cả hoạt động về điều tra cơ bản nhằm tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện hoạt động này. Thêm nữa, về cạnh tranh quốc gia nên nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp ưu đãi thuế dựa trên chi phí, để đảm bảo hoạt động mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đầu tư dầu khí.
Xin cảm ơn ông!