"Làm IT là cài phần mềm, sửa laptop dạo".
"Ai làm bác sĩ thú y cũng không sợ chó".
Đây là suy nghĩ mặc định của nhiều người về một số ngành nghề. Những hiểu lầm này thường không có ác ý, song vẫn dễ đẩy cá nhân đang theo đuổi công việc đó vào các tình huống "dở khóc dở cười".
Zing Lifestyle trò chuyện với 10 bạn trẻ để tìm hiểu về các nhầm tưởng thường gặp đối với nghề nghiệp của họ.
Luật sư "đấu trí" như trên phim
Kim Hà (26 tuổi, quận 7, TP.HCM)
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật vào năm 2018. Gia đình có truyền thống làm trong ngành luật, do đó, đây cũng là mong ước từ thuở bé của tôi.
Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định theo mảng cố vấn pháp lý, chuyên tư vấn các lĩnh vực doanh nghiệp, thương mại.
Đã nhiều lần tôi bật cười khi nghe những câu hỏi của mọi người về nghề nghiệp của mình. Họ tưởng luật sư nào cũng phải lên tòa, đấu đá căng thẳng với như trong những bộ phim Hàn Quốc.
Trong khi đó, các luật sư cố vấn pháp lý như tôi chỉ chịu trách nhiệm tư vấn, chứ không xuất hiện tại tòa để tham gia tố tụng.
IT sửa máy tính, cài win dạo
Minh Tuấn (23 tuổi, TP. Thủ Đức)
Khi tôi bắt đầu theo đuổi đam mê lập trình phần mềm, gia đình vẫn còn mơ hồ về nghề nghiệp này. Ba mẹ nghĩ con trai chỉ làm những việc như sửa chữa, lắp ráp máy tính theo yêu cầu nên khó kiếm đồng lương cao.
Mặt khác, bạn bè xung quanh luôn tin tôi xử lý được mọi sự cố liên quan đến laptop. Thực tế, tôi không “toàn năng” đến mức đó nên vẫn khó tránh khỏi vài lần thất bại.
Dù vậy, tôi vẫn hiếm khi bực mình, luôn dành thời gian hỗ trợ họ trong khả năng. Đồng thời, sau thời gian dài giải thích, chứng minh và nỗ lực, tôi đã giúp gia đình hiểu và tôn trọng quyết định nghề nghiệp của con.
PT chỉ ăn ức gà, uống protein
Nhật Trường (26 tuổi, quận 10, TP.HCM)
“Anh chỉ ăn mỗi ức gà thôi đúng không?”, đây là câu hỏi tôi nghe nhiều nhất trong suốt 6 năm làm nghề.
Để có được cơ thể đẹp, tỷ lệ mỡ thấp, tôi thừa nhận mình cần bám sát chế độ ăn uống khá nghiêm ngặt.
Đặc biệt, vào thời gian diễn ra những cuộc thi thể hình, tôi thậm chí không nạp tinh bột, bỏ muối, chỉ ăn đồ luộc và hạn chế cả việc uống nước nhằm tránh bị tích nước.
Nhưng khi quay về cuộc sống thường nhật, tôi vẫn cho bản thân thưởng thức những món ăn yêu thích như phở, bún bò, cơm tấm. Tôi đảm bảo ăn được, tập được, nhờ vậy quá trình trao đổi chất cũng diễn ra tốt hơn.
Ca sĩ sống giàu sang
Kim Nhã (27 tuổi, quận 8, TP.HCM)
Tôi nghĩ nghề nào cũng dễ bị hiểu lầm, song nhóm làm nghệ thuật tự do lại đặc biệt dễ bị "gắn nhãn" tiêu cực.
Thường xuyên trang điểm đẹp, đi sớm về khuya, tôi khó tránh khỏi những lời bàn tán từ hàng xóm.
Nhiều người áp lên tôi và đồng nghiệp những quan điểm sai lệch, như "nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền", "tháng kiếm được 70 triệu đồng", "chỉ thấy xài sang"...
Thú thật, dù kiếm được nhiều đến đâu, chúng tôi đều phải đầu tư vào mỹ phẩm, trang phục, cuộc gặp gỡ với người trong giới nhằm giữ mối quan hệ và tìm show diễn. Đó là lý do tôi vẫn khó tránh khỏi cảm giác chạnh lòng mỗi khi bàn về công việc của mình.
Bác sĩ thú y không được sợ chó
Mai Hương (26 tuổi, quận 7, TP.HCM)
“Làm bác sĩ thú y mà vẫn không hết sợ chó à?”. Bố mẹ, bạn bè vẫn hay hỏi như thế mỗi khi tôi tỏ thái độ dè chừng trước các chú cún.
Hồi 10 tuổi, tôi vô tình bị chó nhà hàng xóm tấn công. Vết thương không nghiêm trọng, song vẫn đủ khiến tôi ám ảnh.
Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi ngành thú y vì tình yêu dành cho động vật. Mong muốn tạo thêm cơ hội chữa trị cho thú nuôi bị bỏ rơi, hoặc nhóm chủ không đủ tài chính vẫn lớn hơn nỗi sợ ngày bé.
Sau 2 năm làm nghề, tôi đã tiếp nhận hàng trăm chú chó, từ poodle, corgi đến béc-giê Đức, bull Pháp. Để giảm sự lo âu, tôi thường giao lưu, bày tỏ nguyện vọng “hợp tác” vui vẻ và mong chúng đừng cắn mình. Tuy nhiên, tôi luôn có phản xạ né tránh những con chó gặp trên đường và tới nay tình hình vẫn chưa khá khẩm hơn.
Designer sẽ thiết kế logo hộ
Thanh Phong (25 tuổi, TP. Thủ Đức)
Tôi là một chuyên viên thiết kế đồ họa tại agency. Công việc của tôi gắn liền với máy tính, chuột, các phần mềm đồ họa.
Nhiều người cho rằng tôi có nhiều hoa tay, vẽ rất giỏi. Tuy nhiên, khả năng vẽ của tôi khá bình thường, thậm chí cảm quan về nghệ thuật cũng không xuất sắc. Ngược lại, óc sáng tạo là điều khiến tôi tự hào, cũng như làm nên thành công trong suốt 4 năm theo nghề.
Bên cạnh đó, vài người nghĩ nghề này nhàn rỗi vì mọi thứ đã có máy móc lo. Họ vô tư nhờ tôi thiết kế logo, banner miễn phí. Quan điểm này khiến tôi khó chịu, bởi sản phẩm được tạo ra phần lớn nhờ chất xám của designer, thay vì dựa hoàn toàn vào phần mềm, công cụ.
Giáo viên là “mọt sách”
Trần Lâm (27 tuổi, TP. Thủ Đức)
Nhiều người mặc định giáo viên chỉ thích vùi đầu vào sách vở, tìm tòi kiến thức mới. Họ thực sự ngạc nhiên với sở thích lên bar giải trí, thưởng rượu của tôi. Thực tế, tháng nào tôi cũng chi khoảng 5-7 triệu cho thú vui này.
Ngoài ra, không ít cá nhân cũng bất ngờ khi biết tôi cũng tìm kiếm mối quan hệ trên app hẹn hò.
Với họ, các ứng dụng này chỉ dành cho đối tượng “yêu nhanh, bỏ vội”, thiếu đứng đắn trong tình cảm. Dù vậy, tôi và bạn gái đã gặp nhau nhờ ứng dụng hẹn hò và chúng tôi luôn hạnh phúc suốt một năm qua.
Bartender là “cây nhậu”
Mai Xuân (quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Dưới góc nhìn của nhiều người, bartender phải có tửu lượng cao, thường xuyên nhậu nhẹt.
Trong khi đó, tôi lại bị dị ứng nặng với cồn. Nếu uống dù chỉ vài chục ml, cổ họng và mắt tôi sẽ sưng lên, thậm chí không thở được.
Nhiều năm theo nghề, tôi vẫn chưa một lần tiếp rượu khách hàng. Dù vậy, tôi vẫn nhận được sự yêu quý, tin tưởng nhờ khả năng pha chế, cũng như tâm huyết đặt trong từng ly cocktail.
Làm quảng cáo là đi làm biển hiệu
Khánh Toàn (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM)
Những người lớn tuổi thường xuyên hiểu lầm về nghề nghiệp của tôi. Mỗi dịp Tết, khi họ hàng đề cập đến công việc, tôi chỉ nói mình theo ngành quảng cáo cho các chú, bác dễ hiểu.
Rõ ràng, tôi không thể định nghĩa giúp họ về marketing, agency, truyền thông và các khái niệm liên quan. Việc này khá mất thời gian, cũng như dễ gây mích lòng.
Tuy nhiên, cách nói của tôi dễ gây ra nhiều lầm tưởng khá hài hước. Chẳng hạn, đa số đều nghĩ rằng tôi phụ trách in ấn, lắp đặt những bảng hiệu, đèn LED trưng bày trước các cửa hàng, trung tâm thương mại.
Bác sĩ thu nhập “khủng”
Đăng Trần (30 tuổi, quận 10, TP.HCM)
Thú thật, suy nghĩ này khiến tôi gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống.
Nếu chi tiêu tiết kiệm một chút, có người sẽ chê tôi hà tiện. Từ chối giúp đỡ ai đó về tài chính, tôi dễ bị gắn mác xấu tính, ích kỷ. Họ quên rằng tôi luôn phải vất vả làm việc chứ không hề có cuộc sống hào nhoáng như trên phim ảnh.
Ngoài ra, một số người tin sức khỏe tôi luôn tốt vì có kiến thức y khoa, dinh dưỡng. Thực tế, dưới nhiều áp lực, tôi vẫn dễ dàng đổ bệnh như bất kỳ ai. Đồng thời, thú vui “tội lỗi” gồm uống rượu, ăn nhiều đồ ngọt là nguyên nhân khiến tôi dễ tăng cân.