Mặc dù các chỉ số chốt phiên vẫn tăng khá mạnh, nhưng riêng chiều nay thực tế thị trường đã suy yếu. Cổ phiếu hạ độ cao hàng loạt và nhiều mã dẫn dắt đột ngột quay đầu giảm sốc, trong đó có VIC, VCB, MSN và VNM.
Giao dịch bất ngờ nhất là VIC, buổi sáng vẫn còn là trụ số 1 của VN-Index khi tăng 3,51%. Sang chiều VIC bị bán nhiều hơn, nhưng giá vẫn lùi xuống chậm. Phải đến sau 2h đột nhiên lực xả tăng vọt.
Cho đến hết đợt khớp lệnh liên tục, VIC chỉ còn tăng 0,7% so với tham chiếu. Đến đợt ATC, có 361.300 cổ phiếu tung ra bán, một lượng tương đối nhỏ (chiếm 6,4% tổng thanh khoản cả ngày) nhưng lực cầu suy yếu nghiêm trọng khiến VIC đóng cửa thành giảm 1,83%. Như vậy từ chỗ là trụ đỡ mạnh nhất, VIC rơi vào nhóm khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Tính riêng chiều nay, VIC giao dịch hơn 185 tỷ đồng thanh khoản.
Nhóm trụ còn lại là VCB, MSN và VNM cũng diễn biến rất kém. VCB chốt phiên sáng đang tăng 1,53%, đóng cửa thành giảm 1,91%, tức là riêng chiều nay rơi gần 3,39%. MSN cũng từ xanh thành đỏ, giảm 6,61% riêng chiều nay và chốt dưới tham chiếu 4%. VNM buổi sáng không quá mạnh nhưng vẫn là tăng 0,97%, lọt Top 5 mã đỡ chỉ số, chiều nay lùi giá tới 2,76% và đóng cửa giảm chung cuộc 1,82%.
Thống kê trong rổ VN30 có tới 19 mã hạ độ cao trong phiên chiều, với 7 mã đảo chiều sang phía giảm. Tuy nhiên VN30-Index đóng cửa vẫn tăng 1,45% so với tham chiếu là nhờ sức mạnh ổn định của nhóm cổ phiếu ngân hàng còn lại. Cụ thể là TCB tăng trần 6,82%, VPB tăng 4,94%, STB tăng trần 6,9%, MBB tăng 4,62%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chính là các mã hỗ trợ VN-Index không bị thiệt hại quá nhiều từ biến động của VIC, GAS, MSN, VCB. Chỉ số chốt phiên vẫn tăng 0,91% và độ rộng tích cực khi có 334 mã tăng/115 mã giảm. Độ rộng này kém hơn buổi sáng, nhưng ít nhất vẫn thể hiện đà tăng giá là áp đảo.
Tuy vậy, số rất lớn cổ phiếu chiều nay cũng đã hạ độ cao, chỉ là chưa nhiều mã lùi đến mức rơi qua tham chiếu. Thống kê trên HoSE có tới 150 cổ phiếu bị bên bán ép văng khỏi giá cao nhất với biên độ từ 2% trở lên. Tổng thanh khoản của nhóm này lên tới 6.998 tỷ đồng, tương đương 48,2% tổng khớp của sàn.
Điểm khá bất ngờ là chiều nay lượng hàng rất lớn về tài khoản với khoảng 1,54 tỷ cổ phiếu hai sàn, nhưng thanh khoản lại thấp bất ngờ. HoSE và HNX chỉ khớp thêm 6.839 tỷ đồng, giảm 24% so với phiên sáng. Điều đó cho thấy lực xả không quá lớn hoặc bên cầm cổ vẫn chưa quyết tâm bán ra mà vẫn chờ ở vùng giá cao. Tuy vậy việc giá cổ phiếu tụt dần chiều nay cũng cho thấy lực cầu suy yếu. Nếu lượng cổ phiếu lớn như vậy về tài khoản mà xả ra, lực cầu này chắc chắn là quá nhỏ và biến động giá còn tệ hơn nhiều.
Thị trường đang có hiện tượng xoay trụ trở lại nhóm ngân hàng, dù VCB gây thất vọng lớn. Tuy nhiên ngay cả các mã ngân hàng mạnh nhất hôm nay như VPB, TCB, STB thì vẫn chỉ là phiên tăng quay trở lại đỉnh cao cũ cách đây 2 phiên. HPG, GVR – hai trụ ngoài nhóm tài chính - cũng vậy. Tín hiệu tích cực là dòng tiền vẫn đang duy trì mức cao, hai sàn phiên này khớp thành công 15.841 tỷ đồng, tăng gần 11% so với hôm qua. Thanh khoản dồi dào cho thấy vẫn đang có dòng tiền luân chuyển năng động.
Khối ngoại hôm nay có tín hiệu giảm giao dịch và bán ra nhiều hơn. Cụ thể, HoSE nhận được 1.646.5 tỷ đồng, giảm 13% so với mức mua vào hôm qua. Trong khi đó bán ra đạt 1.069 tỷ đồng, tăng 22%. Mức mua ròng thu hẹp còn 577,5 tỷ đồng, thấp nhất 9 phiên.
Vốn ngoại đang là động lực quan trọng trên thị trường thời gian gần đây, nhưng sẽ là không tưởng nếu liên tục có tiền vào quy mô lớn như vậy. Sẽ đến lúc dòng vốn này chững lại và dòng tiền trong nước cần được phục hồi.