Nội dung chính:
Ông Nguyễn Trọng Thìn - “cha đẻ” Phở Thìn 13 Lò Đúc hoàn toàn khỏe mạnh khi ngồi trao đổi với phóng viên tại quán phở mang tên ông ở TP.HCM.
Ông Thìn khẳng định chưa bao giờ đồng ý góp vốn thành lập công ty cùng ông Đoàn Hải Trung như thông tin hiển thị trên đăng ký doanh nghiệp.
Phở Thìn 13 Lò Đúc ra đời từ năm 1979 nhưng đến nay vẫn chưa có bảo hộ thương hiệu.
Chiều 23/2, tại quán phở Thìn 13 Lò Đúc nằm ở góc đường quận 7, TP Hồ Chí Minh (quán mới khai trương đầu tháng 2.2023), phóng viên đã có dịp trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thìn xung quanh những lùm xùm về thương hiệu này.
Trái ngược với thông tin sức khỏe yếu được lan truyền trên mạng xã hội, ông Thìn hoàn toàn khỏe mạnh khi trò chuyện cùng phóng viên.
Thời gian gần đây, một số trang thông tin cho biết ông Đoàn Hải Trung (sinh năm 2001) trở thành “truyền nhân” của thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc dựa trên một video về “bước chuyển giao lịch sử để vươn tầm quốc tế” đăng tải trên trang Facebook Phở Thìn 13 Lò Đúc (có tick xanh).
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Đoàn Hải Trung là người đại diện pháp luật và có vốn góp lớn tại 3 công ty liên quan "hệ sinh thái Phở Thìn". Đây đều là những pháp nhân mới thành lập từ năm 2021 tới nay.
Thông tin về 3 công ty liên quan đến "hệ sinh thái Phở Thìn":
1. Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội (địa chỉ số 13, phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thành lập ngày 13/01/2021, người đại diện pháp luật là Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung với vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng. Trong đó, ông Thìn là Chủ tịch Hội đồng thành viên, góp 51% vốn (hơn 5 tỷ). Phần còn lại do ông Trung góp vốn với vai trò Giám đốc.
2. Công ty hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội thành lập ngày 20/1/2022 với vốn điều lệ 500 triệu đồng cũng được đăng ký dưới tên ông Thìn và Hải Trung, mỗi người đóng góp 50%.
3. Ngoài 2 công ty trên, ông Đoàn Hải Trung còn là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật Công ty cổ phần tập đoàn VieThin, thành lập ngày 16/1/2023 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Ông Thìn không sở hữu cổ phần VieThin.
Trao đổi với phóng viên, ông Thìn khẳng định chưa bao giờ đồng thuận thành lập công ty cùng ông Trung và cũng không sở hữu bất kỳ doanh nghiệp nào. “Anh Trung lập công ty không nói gì với tôi, tức là cậu ấy tự đưa tên tôi vào cổ phần.” - ông Thìn nói.
Ông Thìn đã ủy quyền cho luật sư tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi kiện ông Đoàn Hải Trung về việc đăng ký thành lập công ty cùng ông Thìn trong khi chưa có sự đồng thuận từ ông. “Công ty này lập ra trái pháp luật, không có sự đồng ý của tôi mà anh Trung tự ghi tên tôi vào.” - ông Thìn nói.
Thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc không thuộc bất kỳ công ty nào. Ông Thìn khẳng định: “Hiện nay, tôi không có một công ty nào cả.”
Không có chuyện nhượng quyền
Ông Thìn cho biết các quán phở Thìn 13 Lò Đúc được mở tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… và một số quốc gia khác được mở sau khi ông cho phép. Đến nay, thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn chưa triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh.
Riêng chi nhánh Phở Thìn 13 Lò Đúc tại tỉnh Hải Dương, ông Thìn chia sẻ ban đầu ông cho phép Đoàn Hải Trung cùng mẹ ông Trung kinh doanh nhưng sau đó ông Trung lại tiến hành thành lập công ty và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn mà không thông qua ông Thìn.
Theo thông tin từ fanpage, quán Phở Thìn 13 Lò Đúc tại Hải Dương đến nay vẫn hoạt động bình thường.
Sau Phở Thìn 13 Lò Đúc tại Hải Dương, ông Trung mở thêm Phở VieThin tại Sydney (Australia) hồi cuối năm 2022, Phở Thìn Lò Đúc - Phở VieThin tại Quận Ba Đình (Hà Nội) và Phở Thìn - Cafe Thìn tại TP. Thủ Đức (TP.HCM).
“Đây [quán Phở Thìn 13 Lò Đúc ở quận 7] là quán phở duy nhất của tôi tại TP.HCM” - ông Thìn khẳng định.
Như vậy, ông Đoàn Hải Trung đang sở hữu 4 quán Phở Thìn ở Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM và Sydney (Australia). Đây cũng là 4 quán phở được trang Fanpage Phở Thìn 13 Lò Đúc chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên, ông Thìn đã đăng tải trên Facebook chính chủ (được ông Thìn xác nhận trong cuộc phỏng vấn) rằng fanpage Phở Thìn 13 Lò Đúc không phải của ông.
Phở Thìn 13 Lò Đúc… chưa thuộc về ai!
Ông Thìn chia sẻ: “Thương hiệu của tôi đăng ký tại Hoa Kỳ được ngay lập tức, ở EU cũng được ngay lập tức, ở Nhật Bản và Indonesia cũng được, tới đây Canada cũng thế. Không hiểu sao ở Việt Nam cứ ngâm.”
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Tra cứu thông tin tại website của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thìn hay ông Đoàn Hải Trung và 2 công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội, Công ty hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội đều chưa đăng ký thành công nhãn hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc.
Ông Nguyễn Trọng Thìn từng nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn vào năm 2009 nhưng đã bị từ chối.
Đến năm 2020, Phở Thìn 13 Lò Đúc tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh nhưng vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”.
Ngoài ra, ông Đoàn Hải Trung cũng từng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn và Phở VieThin 13 Lò Đúc nhưng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Như vậy, cả ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung đều chưa nhận được quyền bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.
Câu chuyện phở Thìn đặt ra một thực trạng phổ biến của các hộ kinh doanh tại Việt Nam. Không ít thương hiệu lâu đời, doanh nghiệp truyền thống đã chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, dẫn đến việc thương hiệu bị mất vào tay người khác.
Trên nhiều tuyến đường tại các thành phố lớn, không khó để có thể bắt gặp những tấm biển quảng cáo “gia truyền chính hiệu/chính gốc”. Thực tế, người tiêu dùng không thể kiểm chứng các hàng quán này có phải phiên bản chính gốc hay không và chủ nhân của các thương hiệu cũng không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.