VN-Index đóng cửa để mất 0,8% tương đương -10,23 điểm so với tham chiếu. Mức này cũng chỉ hồi lại khoảng 3 điểm so với đáy ngay cuối đợt khớp lệnh liên tục. Nỗ lực lẻ loi của vài cổ phiếu như FPT, MWG trong đợt ATC không thể ngăn được đà giảm giá ở đa số cổ phiếu khác.
VN30 vẫn là nhóm yếu nhất, chỉ số đại diện đóng cửa giảm tới 1,31% trong khi chốt phiên sang sgiảm 0,62%. Độ rộng cũng tệ hơn nhiều với 5 mã tăng/24 mã giảm (phiên sáng 8 mã tăng/16 mã giảm). Nhóm tăng có FPT tăng 1,47%, MWG tăgn 0,83%, PLX tăng 0,53%, POW tăng 0,44% và 0,37%. Phía ngược lại có tới 17 mã giảm trên 1% so với tham chiếu.
Thanh khoản rổ VN30 buổi chiều cũng tăng 33% so với phiên sáng cho thấy diễn biến giá nói trên là kết quả của hoạt động xả hàng. Nhiều cổ phiếu trượt giá rất mạnh như CTG giảm thêm tới 1,64% so với giá chốt buổi sáng, đóng cửa mất 1,93% so với tham chiếu; GVR giảm thêm 1,8%, đóng cửa giảm 1,65%; MSN giảm thêm 1,5%, chốt giảm 2,51%; VIC giảm thêm 1,83%, chốt giảm 2,05%; VJC giảm thêm 2,85% thành -3,02%... Thống kê cho thấy chỉ duy nhất 3 cổ phiếu nhích giá lên trong phiên chiều là FPT, MWG và PLX, còn lại đều giảm, thậm chí tới 14 mã giảm riêng chiều nay tới trên 1%.
Biến động giảm mạnh hơn của điểm số trong phiên chiều nay ngay lập tức tác động đến giao dịch của các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Chốt phiên sáng VN-Index đỏ nhẹ, độ rộng vẫn duy trì tốt với 199 mã tăng/219 mã giảm nhưng đóng cửa chỉ còn 173 mã tăng/291 mã giảm. Midcap đã quay đầu giảm 0,19% và Smallcap giảm 0,24%.
Dĩ nhiên vẫn sẽ có các cổ phiếu đi ngược dòng nhờ dòng tiền đầu cơ còn vận động khá tốt. Toàn sàn HoSE có 85 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 22,6% sàn, trong đó 9 mã kịch trần, nổi bật là LSS, HDC và EVG thanh khoản khá tốt. Giao dịch sôi động còn có DIG tăng 1,38% thanh khoản 721,9 tỷ; HCM tăng 2,69% với 523,8 tỷ; PDR tăng 3,92% với 454,7 tỷ; HDG tăng 2,17% với 339,3 tỷ… Các mã như NVL, EVF, DXG, NLG, TCM, FTS, LPB cũng đều khớp cả trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên lượng cổ phiếu giảm sâu cũng đã nhiều hơn hẳn. Cuối phiên sáng HoSE mới có 44 mã giảm từ 1% trở lên, đóng cửa là 100 mã. Thanh khoản nhóm này chiếm 45,4% tổng giá trị khớp của sàn. Hôm nay là tương quan độ rộng lẫn thanh khoản tệ nhất trong nhịp tăng vừa rồi, cho thấy độ quyết liệt của bên bán đã tăng lên đáng kể.
Thực ra trừ các cổ phiếu được giữ lại từ đầu sóng hoặc mua ở nhịp tích lũy cách đây 2 tuần, số mua mới trong vài ngày gần đây đã bắt đầu gây thua lỗ. Nhịp tăng mới đưa VN-Index đi vào vùng đỉnh cũ nhưng không có tín hiệu rõ ràng nào là sẽ vượt đỉnh. Do đó nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn, chấp nhận giao dịch ngắn là điều bình thường.
Tính riêng phiên chiều, HoSE và HNX khớp 15.054 tỷ đồng, tăng 26% so với phiên sáng. Cả ngày giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 26.961 tỷ đồng, tăng 19% so với hôm qua. Đây cũng là mức khớp lệnh cao nhất 22 phiên. Thị trường có 6 phiên giao dịch đều trên 20 ngàn tỷ đồng mỗi ngày nhưng một nửa trong số đó (3 phiên) đà tăng không rõ rệt. Do vậy thanh khoản rất cao này cũng có thể là một đợt chốt lời lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài đang duy trì áp lực bán và rút vốn đáng chú ý. Hôm nay sàn HoSE bị bán ròng tiếp 856 tỷ đồng, riêng buổi chiều bán 459,4 tỷ, là phiên bán ròng quy mô lớn thứ 4 liên tiếp. Hai tuần trước khối này đã rút đi khoảng 5.000 tỷ với riêng cổ phiếu sàn HoSE. Tuần này mới có 3 phiên nhưng giá trị bán ròng cũng đã tới 2.460 tỷ đồng.