Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững chiều 14/7, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã có trên dưới 200.000 giao dịch đất nền, cao hơn cả con số 170.000 giao dịch của cả năm ngoái.
Đáng chú ý, mức này gấp 4 lần số giao dịch ở phân khúc căn hộ và nhà ở riêng lẻ, vốn không có nhiều biến động trong 2 năm qua.
Giá bất động sản liên tục tăng
Sự nhộn nhịp của thị trường kéo giá đất nền khắp cả nước tăng cao, bình quân trong quý II/2022 tăng 5-7% so với quý trước đó. Bộ Xây dựng ghi nhận từ cuối tháng 3, một số địa phương vùng ven Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh như Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai... có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh.
Trước đó, trong năm 2021, mặc dù nền kinh tế giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá đất nền vẫn tăng 20-30%. Một số địa phương xảy ra tình trạng sốt đất như khu vực Hớn Quảng (Tân Lợi, An Khương, Bình Phước) được thổi lên 350-600 triệu đồng/m2, hay giá đất nền ở TP Thủ Đức (TP.HCM) đều ở ngưỡng trên 200 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá căn hộ dù không có mức tăng mạnh tương tự nhưng hiện cũng đã tăng khoảng 3% so với thời điểm cuối năm ngoái, riêng ở Hà Nội tăng 4-5%, TP.HCM tăng 1-2%.
Đến nay, Bộ Xây dựng đánh giá TP.HCM và Hà Nội hầu như không còn căn hộ giá 25 triệu đồng/m2. Thực tế, căn hộ bình dân có giá 25-30 triệu đồng/m2, căn hộ trung cấp 30-50 triệu đồng/m2, căn hộ cao cấp trên 50 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án vài trăm triệu đồng/m2.
Còn giá nhà ở riêng lẻ hiện phổ biến ở mức trên dưới 100 triệu đồng/m2, thậm chí các dự án ở trung tâm vượt 200 triệu đồng/m2. "Giá bất động sản nhà ở đang tăng cao so với thu nhập của người dân", Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân tăng giá bất động sản là sự chênh lệch cung cầu. Dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác đang dồn vào trú ẩn trong bất động sản, đồng thời nhu cầu mua sử dụng của người dân cũng rất cao. Tuy nhiên, tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong nửa đầu năm chỉ khoảng 12.000 căn.
Ở phân khúc nhà ở xã hội cho người dân thu nhập thấp và công nhân, 6 tháng đầu năm cũng chỉ có tổng cộng 13 dự án với quy mô 6.000 căn được hoàn thành xây dựng. Bộ Xây dựng nhìn nhận đây là con số rất hạn chế so với kế hoạch đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp.
"Nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất", Bộ nói về vướng mắc hiện tại của nguồn cung bất động sản.
Bên cạnh đó, giá bất động sản cũng chịu tác động khi thời gian thực hiện các dự án kéo dài và chi phí các nguyên vật liệu đầu vào và lãi vay đều tăng cao.
Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác để tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở xã hội và giảm giá nhà ở. Điển hình, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tổ chức các tổng công ty nhà nước đầu tư phát triển quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp.
Hay như Trung Quốc cũng tăng cường xây dựng hệ thống quản lý sử dụng đất đối với nhà ở xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhu cầu nhà ở của dân cư đô thị mới, đồng thời hạn chế các cản trở với việc triển khai đầu tư bất động sản.
Vẫn còn môi giới và sàn giao dịch "thổi giá"
Cũng trong báo cáo này, Bộ Xây dựng cho biết thị trường còn một số bất cập do quy định không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, điều kiện thành lập và điều hành sàn còn đơn giản, chưa quy định cụ thể mô hình, quy trình giao dịch qua sàn...
Còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Bộ Xây dựng cho biết.
Cụ thể, đến nay cơ quan quản lý vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát thông tin giao dịch bất động sản, đặc biệt là các bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Bản thân các sàn hầu như chỉ đóng vai trò môi giới, trung gian giữa chủ đầu tư và khách hàng nên thiếu vài trò kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý đối với các giao dịch.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng nhìn nhận còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Trong khi đó, một bộ phận môi giới bất động sản không được đào tạo bài bản lại yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật và thiếu chuyên nghiệp.
"Ngoài các nhà môi giới được đào tạo, cấp chứng chỉ, hoạt động độc lập hoặc hoạt động theo tổ chức thì còn một lượng lớn cá nhân hành nghề 'môi giới' trung gian mua, bán bất động sản tự do. Số lượng và hoạt động của các cá nhân này thiếu ổn định và khó kiểm soát, trong đó có tình trạng làm ăn 'chụp giật', không tự giác kê khai nộp thuế theo quy định", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Theo thống kê đến năm 2020, cả nước có hơn 1.600 sàn giao dịch bất động sản. Sau 6 tháng đầu năm nay, khoảng 90% số sàn đã trở lại hoạt động, đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay cũng có khoảng gần 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.