Từ ngày 1/7/2023, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, trong đó lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được điều chỉnh tăng thêm 20,8%.
Đây là lần tăng lương có tỷ lệ cao nhất trong 12 lần điều chỉnh, điều này góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nhiều người e ngại liệu tăng lương có làm tăng giá cả và lạm phát, bởi trong quá khứ lương tăng đi kèm với lạm phát và giá cả tăng.
Tăng lương có làm tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, so với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Mức tăng tuyệt đối lên tới 310.000 đồng, tăng 20,8%, trong khi đó, những năm trước mức tăng chỉ dao động từ 60.000-200.000 đồng. Nếu lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì công nhân, viên chức sẽ được tăng khoản tiền lương tương đối. Mức tăng từ hơn 400.000 đồng cho tới hơn 2.000.000 đồng/1 tháng.
Trong bối cảnh tình trạng công chức, viên chức nhiều bộ, ngành, địa phương xin nghỉ việc liên quan đến vấn đề thu nhập thì đợt tăng lương lần này được đánh giá là một sự khích lệ kịp thời, song nhiều ý kiến cho rằng tăng lương phải song song với kiểm soát được giá cả thì mới thực sự giúp người lao động vượt qua khó khăn, yên tâm trụ lại với công việc.
Trước đó, tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều tối ngày 24/6, liên quan đến vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với đó là kiểm soát, điều hành giá. Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó có các giải pháp kiểm soát giá, thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.
Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI. Với sự sát sao vào cuộc từ sớm của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, ông Giang nhận định, tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra.
“Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ ngày 1/7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức”- ông Giang khẳng định.
Thực tế cho thấy, thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu từ ngày 1/7 đến nay hầu như không có biến động về giá cả. Tại hệ thống các siêu thị, chợ dân sinh, giá cả hàng hóa khá ổn định, không có tình trạng tăng giá khi tăng lương cơ sở như đã từng xảy ra trong những lần điều chỉnh tăng lương trước.
Gần 15 năm công tác, chị Nguyễn Thị Hồng - Điều dưỡng viên Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Với đồng lương chỉ được gần 7 triệu đồng/tháng, thế nên lần tăng lương này sẽ tiếp thêm động lực để những điều dưỡng viên như chúng tôi có thể bám trụ được nghề.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiềm chế tăng giá cả theo lương phụ thuộc vào điều hành kinh tế vĩ mô, nhưng nhìn chung tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là mong muốn khi lương tăng thì chỉ số giá tiêu dùng vẫn được duy trì ở mức thấp chứ không được cao hơn mức lương tăng. Điều đó sẽ khiến người lao động cảm thấy những vấn đề trong thu nhập của mình không được giải quyết. Cho dù so sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn đang có chỉ số giá tiêu dùng tương đối thấp, nhưng điều hành kinh tế vĩ mô cần có được lộ trình để làm sao cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sống được bằng lương.
Tăng lương lần này liệu đã đảm bảo đời sống cho người lao động?
Theo tìm hiểu, nhiều công chức ở khối quận, huyện tại Hà Nội, hiện thu nhập theo thang bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức ở mức khởi điểm còn khá thấp, chỉ gần 3,5 triệu đồng/tháng; nhiều người phải chật vật với mức tiền lương khi sống ở đô thị. Mức lương của cán bộ, công chức, viên chức so với mặt bằng chung đang ở mức thấp so với khối doanh nghiệp.
Vì vậy, trong bối cảnh cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc rất nhiều, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục thì đây là lần đầu tiên, mức lương cơ sở được tăng cao nhất sau 12 lần điều chỉnh đã góp phần bảo đảm nguồn lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cho thấy chính sách rất đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước. Điều này tạo ra sự phấn khởi lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức vì mức lương hiện khá thấp so với mức độ chuyển giá của lạm phát, cũng như mức độ sống, đặc biệt ở khu vực đô thị lớn.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Bí thư huyện ủy Mỹ Đức (Hà Nội) chia sẻ: Công chức cơ sở lẫn công chức cấp huyện đón nhận điều này với tâm trạng rất vui mừng, bởi là động viên kịp thời với họ trong bối cảnh số lượng lớn công chức chuyển làm việc từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài Nhà nước gần đây. Đáng kể, một số khu vực đang phải có giải pháp mạnh để giữ được chân người lao động, bởi sự dịch chuyển này kèm theo chảy máu chất xám, khi hầu hết là người giỏi xin ra khỏi khu vực Nhà nước, chứ không phải người không làm được việc.
Một cán bộ Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết: Gần đây không có nhiều công chức đăng ký tuyển dụng vào khu vực Nhà nước, họ thể hiện không mặn mà với khu vực công. Nhất là có nhiều giáo viên mầm non hệ công lập bỏ ra ngoài làm tại hệ dân lập, thậm chí người lao động ngay khi ký hợp đồng lao động thì đề xuất luôn với chủ sử dụng lao động về mức thu nhập, nếu được đáp ứng thì mới đồng ý vào làm.
"Điều này cho thấy tư duy của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với việc làm và thu nhập đã có thay đổi lớn. Bởi vậy, việc điều chỉnh tăng lương lần này thực sự là sự động viên rất kịp thời với cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực Nhà nước để có sự gắn bó, tâm huyết với nơi làm việc” – vị cán bộ này cho biết.
Với gần 23 năm công tác, chị Lê Thị H.Y - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ: Lương tăng cùng các khoản phụ cấp, lương của tôi cũng được khoảng 10 triệu, chi tiêu tằn tiện mới tạm đủ sống. Để đảm bảo cuộc sống và có tích lũy, nghỉ hè tôi vẫn nhận dạy kèm cho các em học sinh gần khu dân cư mình ở.
Theo nhiều ý kiến, đây là mức tăng lương khá ấn tượng sau 4 năm (từ 1,49 triệu đồng năm 2019 lên 1,8 triệu đồng năm 2023), song với những cán bộ, công chức, người lao động ở UBND cấp xã, giáo viên mầm mon, tiểu học… hay nhiều vị trí khác ở cấp cơ sở, thì mức tăng này mới tạm đủ sống, chỉ đỡ phần nào, chứ chưa thể bảo đảm cuộc sống tốt hơn khi giá cả ngày càng leo thang. Do vậy, họ vẫn phải tiếp tục làm thêm nhiều công việc khác để gia tăng thu nhập.