Theo The Wall Street Journal, tiền lương của người lao động - một trong những yếu tố chính gây áp lực lên lạm phát ở Mỹ - vốn đang tăng nhanh chóng.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động Hoa Kỳ, thu nhập trung bình mỗi tiếng của người lao động vào tháng 7 này đã thăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, mức tăng lương hàng năm cũng đã tăng trưởng vượt quá 5%. Đây là minh chứng cho thấy các nhà tuyển dụng đang tích cực tăng lương để cố gắng tìm và giữ chân người lao động trong hoàn cảnh thị trường khan hiếm.
Mức lương tăng mạnh
Trên thực tế, quỹ đạo tăng trưởng của tiền lương cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của thị trường lao động. Mức lương hiện tại đang tăng nhanh chóng vì có quá ít người lao động để đáp ứng nhu cầu của các công ty.
Tại Mỹ, nhu cầu tuyển dụng đang vượt quá số người tìm kiếm việc làm. Có ít lao động tìm việc làm hơn so với thời điểm trước đại dịch vì một số người vẫn lo lắng đại dịch có thể bùng phát trở lại, làm gián đoạn công việc của họ.
Trạng thái này sẽ khó có thể cải thiện khi tỷ lệ người lao động bỏ việc trong khoảng thời gian này đang tăng lên. Theo số liệu từ Bộ Lao động Hoa Kỳ, tháng 6 có khoảng 2,8% người lao động bỏ việc, tăng 0,5% so với mức 2,3% vào đầu tháng 2/2020.
Theo bà Kathy Bostjancic - nhà kinh tế học tại Oxford Economics - lý do để người lao động hoàn toàn sẵn sàng và tự tin để rời bỏ công việc hiện tại và tìm việc mới là nhu cầu về "một mức lương cao hơn".
Những người này là nguyên nhân chính của việc mức lương tăng mạnh như vậy trong thời gian qua, họ đang gây áp lực lên các công ty và buộc công ty phải tăng lương cho nhân viên hiện tại.
Doanh nghiệp khó khăn
Theo ông Omair Sharif - giám đốc công ty dự báo Inflation Insight LCC - ngoài việc phải tăng lương cho người lao động, các công ty cũng phải gánh chịu việc các chi phí kinh doanh khác như vận chuyển hay hậu cần nhảy vọt.
"Tất cả các chi phí cần thiết để vận hành một doanh nghiệp đều tăng cao, nhất là tiền lương cho người lao động", ông Sharif nhận xét và nói thêm rằng: "Dưới điều kiện lạm phát tăng cao như hiện tại, các công ty sẽ gộp chi phí đó vào các mặt hàng và người tiêu dùng phải chịu".
Với ông Sharif, các công ty hàng không là một trong những chủ thể phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc tăng tiền lương. Khi thế giới trở lại nhịp sống bình thường sau đại dịch, nhu cầu du lịch và vé máy bay tăng nhanh chóng mặt. Các hãng hàng không bắt buộc phải đàm phán tăng lương cho phi công và các tiếp viên để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Trong khi đó, phí nhiên liệu cho máy bay cũng nhảy vọt. Tất cả những yếu tố này đều tụ hội lại và đẩy giá vé máy bay lên hơn 34,1% so với cùng kỳ năm trước.
Và mặc dù mức lương cao hơn, kinh tế khó khăn vẫn khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng. Điều này khiến cho năng suất lao động ở Mỹ đã giảm thêm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết đây là quý thứ 2 liên tiếp mà năng suất lao động nước này giảm sút.
Chi phí lao động cho mỗi đơn vị sản phẩm - một thước đo lương thưởng khác - cũng tăng 10,8% trong quý thứ 2 năm nay, giảm nhẹ so với mức tăng 12,7% của quý I.
Tín hiệu tích cực
Tín hiệu đáng mừng là ngoại trừ mức lương của người lao động tăng trưởng liên tục, một số mặt hàng khác đã giảm bớt áp lực về giá.
Giá xăng giảm mạnh trong tháng 7 và sang tháng 8, với giá xăng Mỹ giảm xuống chỉ còn 4,03 USD /gallon, rẻ hơn một USD so với thời điểm giữa tháng 6. Đà giảm mạnh của giá xăng, cùng với giá thực phẩm và các hàng hóa liên quan tới năng lượng khác, cho thấy áp lực giá đã hạ nhiệt phần nào.
Ngày 10/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết CPI Mỹ tăng 8,5% trong tháng 7, thấp hơn so với dự báo 8,7% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Tuy nhiên, con số này vẫn gần với mức đỉnh 40 năm vừa thiết lập trong tháng trước (9,1%). Có thể thấy rằng CPI tháng 7 gần như đi ngang.
Chỉ số lạm phát cao khiến các nhà kinh tế không thể bỏ đi nỗi lo ngại về tốc độ tăng trưởng tiền lương hiện tại.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thậm chí đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào tháng trước với mục đích kiềm chế chỉ số lạm phát về mức 2%. Tuy vậy, những báo cáo không mấy tích cực về thị trường lao động tháng 7 và tốc độ tăng lương nhanh đang khiến cho FED khó có thể tăng lãi suất nhiều như vậy vào cuộc họp tới.
Ngoài ra, một số nghiên cứu nội bộ của FED còn cho thấy tốc độ tăng tiền lương và phúc lợi hiện tại đang là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2001.
Mặc dù tăng nhanh vậy, tiền lương vẫn không theo kịp mức lạm phát. Theo The Wall Street Journal, nếu tính cả chỉ số lạm phát, tiền lương thực tế mà người lao động nhận được đã giảm 3,1% chứ không phải tăng.
Chính vì vậy, đa số người lao động đều vẫn yêu cầu một mức lương cao hơn so với mức hiện tại để có thể cân bằng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến nền kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao trong ngắn hạn.