Theo báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật quý II mới công bố, Cốc Cốc cho biết lượng tìm kiếm quạt tích điện và máy phát điện gia đình đã tăng đột biến trong bối cảnh khu vực miền Bắc thường xuyên mất điện giữa cao điểm hè.
Quạt tích điện, máy phát điện cháy hàng
Kể từ đợt nắng nóng đỉnh điểm vào đầu tháng 6, tình trạng cắt điện xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc, người dân theo đó đổ xô mua các thiết bị làm mát tích điện. Lượng tìm kiếm các sản phẩm như quạt tích điện và máy phát điện gia đình theo đó tăng 9.767% và 7.343% so với quý trước.
Các tìm kiếm khác về các loại quạt phục vụ cho mùa hè nắng nóng cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao như quạt năng lượng mặt trời (+2.633%), quạt hơi nước (+1.208%) hay quạt điều hòa (+1.183%). Trong khi đó, sự quan tâm đến máy phát điện tăng khoảng 831%.
Xu hướng này phản ánh đúng thực tế về nhu cầu của người dân miền Bắc đối với các sản phẩm làm mát tích điện. Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị cấp dưới kiểm soát hoạt động kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa như máy phát điện, các loại quạt tích điện, quạt hơi nước, thiết bị làm mát.
Theo cơ quan quản lý, đã có tình trạng người dân đổ xô đi tìm mua các sản phẩm làm mát do ảnh hưởng từ hoạt động cắt điện luân phiên trong những ngày nắng nóng. Từ đó khiến các sản phẩm có dấu hiệu bị cháy hàng do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm tăng giá (định giá mua, giá bán bất hợp lý) nhằm trục lợi trong kinh doanh, lưu thông, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ghi nhận, thị trường đã xuất hiện tình trạng mặt hàng quạt tích điện từ Trung Quốc liên tục tràn về Việt Nam với số lượng hàng chục nghìn chiếc. Giá nhập sỉ có thời điểm dao động trên 600.000 đồng/chiếc và bán lẻ trên 1 triệu đồng/chiếc nhưng vẫn cháy hàng.
Nhu cầu du lịch tăng đột biến
Đối với lĩnh vực du lịch, việc kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nối tiếp 30/4-1/5 và kéo dài 5 ngày khiến nhu cầu này tăng mạnh. Quý II cũng là thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên.
Vì vậy, người dùng quan tâm hơn đến việc lập kế hoạch du lịch và tìm kiếm các thông tin liên quan đến hãng bay (Vietnam Airlines, Vietjet, Vietravel, Bamboo Airways, Pacific Airlines…); vé máy bay và ứng dụng đặt chỗ (Traveloka, Booking.com, Agoda, iVIVU…). Đặc biệt, Vịnh Hạ Long là địa điểm du lịch ghi nhận lượng tìm kiếm cao nhất trong quý qua.
So với quý I, lượng tìm kiếm về lịch nghỉ lễ 30/4 tăng vọt tới 7.459%. Các địa điểm du lịch như Cát Bà, Cô Tô và Sầm Sơn cũng tăng trưởng đến khoảng 2-3 lần về lượng tìm kiếm. Đà Nẵng cũng lọt Top tìm kiếm thịnh hành với từ khóa lịch bắn pháo hoa đà nẵng 2023.
Đây đều là những địa điểm với các sự kiện du lịch đáng chú ý. Chẳng hạn như Chương trình Khai mạc Du lịch Cát Bà 2023 (31/3), Khai mạc du lịch Cô Tô 2023 (1/4), Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2023 (22/4) và Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (3/6-8/7).
Bên cạnh đó, Trung Quốc đại lục cũng là lựa chọn của nhiều du khách Việt khi quốc gia này vừa mở cửa du lịch trở lại từ giữa tháng 3 sau ba năm đóng cửa biên giới. Làn sóng tìm kiếm về du lịch Trung Quốc đã có tăng trưởng mạnh, đặc biệt là về các địa điểm mới như Phượng Hoàng Cổ Trấn.
So với cùng kỳ năm 2022, các điểm đến du lịch nội địa hàng đầu không có nhiều thay đổi. Hội An, Nha Trang và Đà Lạt là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng tìm kiếm, lần lượt là 85%, 71% và 48%. Singapore, Melbourne và New York là ba điểm đến quốc tế có mức tăng trưởng tìm kiếm cao nhất, lần lượt là 38%, 35% và 21%.
So với đầu năm, người Việt cũng quan tâm nhiều hơn tới các địa điểm du lịch châu Á như Nhật Bản hay Thái Lan. Dẫn đầu Top thịnh hành trong quý II là Fukuoka với mức tăng trưởng đột biến lên tới 146% so với quý trước.