Mới đây, TAND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tiền gửi giữa Ngân hàng Đ. và Công ty tài chính V.
Theo hồ sơ, từ năm 2009-2010, hai bên ký kết 15 hợp đồng tiền gửi, theo đó, ngân hàng gửi công ty khoản vốn kèm điều kiện thời hạn và lãi suất nhất định. Thời hạn hợp đồng đều ký là 1 năm.
Quá trình thực hiện hợp đồng, công ty đã chuyển trả ba lần lãi là 27 tỷ đồng sau đó dừng thanh toán. Do đó, ngân hàng khởi kiện ra tòa án và yêu cầu công ty phải thực hiện nghĩa vụ tài chính là hơn 3.067 tỷ đồng (tính đến ngày 16/11/2020), bao gồm nợ gốc, lãi và phạt chậm trả.
Trong hợp đồng có quy định về việc ngân hàng có “quyền rút vốn trước hạn… và thông báo bằng văn bản cho bên B trước 1 ngày làm việc”.
Theo công ty tài chính, hợp đồng ghi thời hạn là 12 tháng nhưng trong đó có điều khoản được rút vốn trước thời hạn mà vẫn hưởng lãi suất như gửi hết kỳ hạn, khi thực hiện mặc dù ngân hàng có thông báo chấm dứt trước hạn nhưng sau đó hai bên lại ký tiếp phụ lục hợp đồng.
Công ty cho rằng bản chất đây là các hợp đồng tiền gửi ngắn hạn, vi phạm khoản 1, Điều 17, Nghị định 79/2002/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2002/TT-NHNN. Theo đó, Nghị định số 79 cấm công ty tài chính nhận tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm. Mặt khác, hợp đồng còn vi phạm Điều 29, Thông tư số 06/2002/TT-NHNN ngày 23/12/2002 của NHNN, vi phạm về kỳ hạn tiền gửi này cũng được cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN kết luận tại kết luận thanh tra công ty tài chính năm 2012.
Do đó, công ty đề nghị tuyên vô hiệu các hợp đồng tiền gửi và đề nghị tòa án giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. Công ty cũng đề nghị xem xét lại lãi phạt quá hạn theo Luật Thương mại.
Trong khi đó, ngân hàng khẳng định các hợp đồng tiền gửi là đúng quy định. Công ty được quyền nhận tiền gửi, ngân hàng chuyển tiền. Mức lãi suất tiền gửi và lãi suất phạt đều tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ luật Dân sự.
Ngân hàng cũng cho rằng công ty không đồng ý với điều khoản “rút vốn trước hạn” thì công ty vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng ký kết. Vì một điều khoản vi phạm không kéo theo các điều khoản khác của hợp đồng vô hiệu. Theo Điều 135 Bộ luật Dân sự quy định vô hiệu một phần thì phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật.
Tòa án nhận định, việc hai bên thỏa thuận về quyền rút vốn trước hạn là không phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, khoản tiền gửi của 15 hợp đồng tiền gửi trên đến nay đã quá hạn nhiều năm chưa trả. Do vậy, việc công ty cho rằng 15 hợp đồng tiền gửi trên bị vô hiệu là không có căn cứ.
Đối với lãi quá hạn, đối với các hợp đồng tiền gửi VND và 5 phụ lục hợp đồng, ngân hàng và công ty thỏa thuận “lãi suất điều chỉnh 1 tháng/1 lần. Sau 1 tháng… lãi suất sẽ được đàm phán giữa 2 bên bằng văn bản bổ sung”.
Tòa án xác định, theo Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008, Quyết định 1565/QĐ-NHNN ngày 24/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước thì việc hai bên thỏa thuận lãi suất tiền gửi 12%năm là phù hợp.
Bên cạnh đó, các bên cũng quy định “mức lãi suất phạt bằng 150% lãi suất ghi trong hợp đồng tính trên số tiền và số ngày chậm trả”. Theo tòa án, hai bên thỏa thuận lãi suất phạt, bản chất là lãi suất quá hạn là phù hợp với khoản 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự.
Đối với các hợp đồng tiền gửi USD, ngân hàng và công ty thỏa thuận lãi suất từ 5%-8%/năm. Theo tòa án, hai bên đều có chức năng kinh doanh USD nên việc hai bên ký kết 9 hợp đồng tiền gửi và 6 phụ lục hợp đồng tiền gửi là phù hợp với khoản 2, Điều 45 Luật Các tổ chức tín dụng 1997; khoản 2, Điều 17 Nghị định số 79/2000/NĐ/CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính.
Mặt khác, từ thời điểm 18/6/2020 đến nay, Ngân hàng nhà nước không ban hành quy định riêng về mức lãi suất liên ngân hàng áp đụng đối với USD. Vì vậy, các bên phải áp dụng lãi suất liên ngân hàng đối với USD thực hiện theo quy định chung về lãi suất cho vay liên ngân hàng giữa các tổ chức tín dụng.
Đối chiếu với mức lãi suất USD do ngân hàng huy động và mức lãi suất USD do ngân hàng thực hiện việc cho vay trong hệ thống tại cùng thời điểm ký kết hợp đồng thì mức lãi suất từ 5%-8% là phù hợp.
Tòa phúc thẩm đã tuyên buộc công ty tài chính phải thanh toán cho ngân hàng khoản nợ gốc và lãi của các hợp đồng tiền gửi là hơn 2.959 tỷ đồng.
Công ty tài chính phải tiếp tục trả cho ngân hàng khoản tiền lãi phạt quá hạn trên số nợ gốc của 15 hợp đồng tiền gửi chưa trả cho đến khi thanh toán xong nợ gốc theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận.