Theo Bloomberg, tập đoàn Shandong Ruyi Technology Group đã từng được mệnh danh là "LVMH của Trung Quốc".
Đi lên từ một hãng may mặc không mấy tiếng tăm, Shandong Ruyi chỉ mất 6 năm đã thành công tạo dựng một đế chế thời trang khổng lồ. Theo nhiều báo cáo, hãng này đã chi tới 3 tỷ USD để mua lại hàng loạt thương hiệu may mặc nổi tiếng như Aquascutum, Sandro và Lycra để mở rộng.
Tuy nhiên, Shandong Ruyi đã phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính trong những năm gần đây. Công ty này hiện vướng vào nhiều tranh chấp về vấn đề vỡ nợ trái phiếu và đang mất dần quyền kiểm soát doanh nghiệp. Nhiều công ty con của Shandong Ruyi phải trao quyền quản lý cho các chủ nợ, còn số phận của công ty mẹ sẽ phụ thuộc vào phán quyết của tòa án.
Nguy cơ vỡ nợ
Ban đầu, chiến lược của Shandong Ruyi có vẻ như sẽ thành công khi giới thượng lưu của Trung Quốc càng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xa xỉ từ châu Âu. Lúc đó, công ty này đã đi trước một bước khi thâu tóm xong các thương hiệu nước ngoài.
Cụ thể, sau khi mua phần lớn cổ phần của tập đoàn thời trang Pháp SMCP SA vào năm 2016, Ruyi đã xây dựng mạng lưới hơn 100 cửa hàng tại các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh. SMCP SA sau đó còn thành công niêm yết trên thị trường chứng khoán Paris vào năm 2017 - giúp Ruyi càng khẳng định vị thế của mình.
Nhờ thành công của thương vụ này, Shandong Ruyi đã tiếp cận được nguồn vay vốn khổng lồ từ các ngân hàng như JPMorgan hay Barclays, rồi lại tiếp tục mở rộng đế chế bằng cách mua lại công ty con.
Tuy nhiên, quá nhiều thương vụ liên tiếp đã khiến tài chính của tập đoàn này không chống đỡ nổi. Theo ông Chenyi Lu - chuyên gia tín dụng cao cấp của Moody's, tăng trưởng của Shandong Ruyi là "thông qua vay nợ", khiến cho rủi ro tài chính của công ty tăng cao và rơi vào khủng hoảng. Vào cuối năm 2020, công ty này đã phải ra tòa vì không có khả năng trả món nợ trái phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (153 triệu USD).
Hiện tại, Ruyi đã mất quyền kiểm soát các doanh nghiệp chủ chốt và đang vướng vào tranh chấp với các chủ nợ, trong đó có cả Carlyle Group. Tháng 6 vừa qua, một số công ty con của hãng như Lycra và Sandro đã phải giao lại quyền quản lý cho những chủ nợ từ Carlyle. Những tài sản còn lại của Ruyi sẽ phụ thuộc vào phán quyết của tòa án.
Theo Bloomberg, công ty này đang cố gắng bán bớt tài sản để khôi phục tài chính, đồng thời cũng đàm phán trợ giúp với các tập đoàn tài chính của Trung Quốc như HNA Group và Anbang Insurance Group.
Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết chủ tịch Ruyi - ông Qiu Yafu cũng đang cố gắng đàm phán thêm với các chủ nợ. Vị doanh nhân đang tìm mọi cách để giữ lại nhiều công ty con nhất có thể, bao gồm nhãn hiệu Cerruti 1881 của Pháp và hãng quần áo nam Kent & Curwen của Anh.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó
Sự nổi lên của Ruyi diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các nhà sản xuất truyền thống tăng cường chuỗi giá trị bằng cách sáp nhập, và đẩy mạnh nền kinh tế dựa vào tiêu dùng.
Chính vì vậy, ở thời điểm đó, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc đã lấy Ruyi để làm hình mẫu phát triển. Nhiều công ty đã lựa chọn mở rộng ra nước ngoài với hy vọng có thể lặp lại thành công trong quá khứ của Ruyi, ví dụ như Shuanghui International mua nhà sản xuất thịt lợn Mỹ Smithfield Foods.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không ít trong số đó đang phải vật lộn để duy trì hoạt động của những công ty con ở nước ngoài hoặc chấp nhận gán nợ chúng.
Hony Capital - một công ty tài chính tại Trung Quốc - mới đây đã phải nhường lại quyền kiểm soát chuỗi nhà hàng PizzaExpress cho các chủ nợ. Tương tự, tập đoàn Suning Holdings Group - chủ sở hữu của CLB bóng đá Inter Milan, gần đây cũng rất đau đầu để tìm nhà đầu tư mới cho CLB vì Suning không còn đủ tài chính.
Bà Alicia Garcia Herrero - kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis SA - cho biết: "Các công ty Trung Quốc muốn phát triển nhanh thông qua các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ lại đánh giá thấp những khó khăn để điều hành công ty sau khi thương vụ hoàn tất".
Ngoài ra, ông Jeffrey Wang - Giám đốc BDA Partners chi nhánh Thượng Hải - cũng có cùng ý kiến với bà Herrero khi đánh giá rằng đa số thương vụ mua lại của công ty Trung Quốc ở nước ngoài trong những năm gần đây đều không thành công. "Họ mua được công ty con nhưng không thể quản lý nổi, và họ cũng không thể bán lại ngay lập tức vì sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn".
Theo ông, các doanh nghiệp cần phải xem xét kĩ về khả năng quản lý và những rủi ro có thể xảy ra sau khi mua lại công ty con.