Apple tham vọng biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất iPhone tiếp theo bằng cách lắp ráp mẫu smartphone mới nhất của mình tại đây. Đây được xem là bước đột phá của tập đoàn, phá vỡ truyền thống sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc, đồng thời cũng là thắng lợi của Thủ tướng Narendra Modi với chiến lược “Make In India”, đưa Ấn Độ trở thành công xưởng thế giới.
Theo Bloomberg, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung và mối quan hệ giao hảo giữa Ấn Độ với Mỹ, Australia và Nhật Bản chính là lợi thế lớn nhất của Ấn Độ để trở thành cứ điểm sản xuất tiếp theo của Apple.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 cũng giúp quốc gia châu Á nhận được nhiều vốn đầu tư hơn. Ấn Độ hiện là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong suốt 3 năm qua với GDP sẽ sớm lọt vào top 3 toàn cầu trong thập kỷ này.
Song, các chuyên gia cảnh báo rằng kế hoạch vực dậy lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ đã đi sai hướng.
Chiến lược “Make In India” của thủ tướng Modi với mục tiêu tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm tỏ ra không mấy hiệu quả. Lĩnh vực sản xuất cũng chỉ chiếm 14% nền kinh tế. Con số này đã không tăng trưởng suốt nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn luôn ở mức cao ngất ngưởng.
Những khó khăn còn tồn đọng
Đề ra từ năm 2014 nhưng kế hoạch “Make in India” đã dời thời hạn hoàn thành mục tiêu nâng GDP quốc gia lên 25% tổng cộng 2 lần: từ 2020 lùi xuống 2022, từ 2022 lùi xuống 2025.
Nhà kinh tế học Amitendu Palit của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng các công ty vẫn chưa có động thái dứt khoát rời khỏi Trung Quốc. Do đó, chính phủ Modi cần phải chứng minh được Ấn Độ là nơi có nguồn nhân công giá rẻ, dễ vận hành sản xuất thay vì chỉ tập trung vào những lợi thế sẵn có như chính trị để thu hút các tập đoàn.
Gần đây, những chính sách kinh tế của quốc gia này đã tạo điều kiện cho Apple mở rộng sản xuất ở đây. Tập đoàn công nghệ đã xuất khẩu hơn 2,5 tỷ USD iPhone từ Ấn Độ trong giai đoạn tháng 4-12/2022, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Nhưng trước động thái này, nhiều chuyên gia tỏ ra dè chừng vì từng có những công ty rời khỏi Ấn Độ do khó khăn kéo dài như General Motors, Ford Motor và Harley-Davidson.
Vì thế, để kịp đáp ứng những yêu cầu chuyển đổi ấn độ, chính quyền ông Modi cần phải dỡ bỏ những hạn chế trong luật lao động, đồng thời giúp các doanh nghiệp đều có đất để mở nhà máy, sản xuất, Bloomberg nhận định.
“Sự cải tổ này sẽ rất khó khăn nhưng thay đổi là điều cần thiết vì các tập đoàn đến với Ấn Độ đều cần đất để sản xuất”, Nada Choueiri, Trưởng cơ quan đại diện Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) nói.
Bài toán việc làm của Ấn Độ
Bên cạnh đó, việc làm cũng là một trong những vấn đề gây đau đầu cho quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sự trì trệ trong ngành sản xuất và nông nghiệp đã đẩy hơn 12 triệu người lao động Ấn Độ không có cơ hội việc làm. Chính phủ quốc gia này không thể tạo đủ công ăn việc làm cho lực lượng lao động khổng lồ mặc dù nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.
Theo Bloomberg, vấn đề việc làm là một mảnh ghép quan trọng trong mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ. Thu nhập tăng đồng nghĩa với sức tiêu thụ tăng, từ đó càng lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, tạo thêm nhiều việc làm hơn để hình thành một chu kỳ kinh tế bền vững.
Nhà kinh tế học Shumita Deveshwar tại công ty tư vấn TS Lombard cho rằng mặc dù luôn tự hào là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, trên thực tế tiến độ phát triển của Ấn Độ vẫn gây thất vọng.
Ông liệt kê những vấn đề quốc gia này đang đối mặt bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu lao động tay nghề cao và thất bại trong các chính sách thu hút đầu tư. Ngay cả thương vụ với Apple gần đây cũng chứa đầy những bất ổn về sự nhất quán và loại đầu tư Ấn Độ sẽ nhận được. Theo số liệu của Deloitte, phần lớn đầu tư nước ngoài ở Ấn Độ đều đổ vào những ngành dịch vụ thay vì sản xuất.
Nhưng Thủ tướng Modi tự tin rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 sẽ giúp họ thay đổi tình hình này, có ưu thế cạnh tranh với những quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Malaysia.