Các hãng sản xuất cá ngừ đóng hộp đang nỗ lực nâng cấp sản phẩm nhằm thúc đẩy một làn sóng mới trong bộ phận giới trẻ sành ăn ưa mua sắm trực tuyến.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Euromonitor International, doanh số bán hải sản đóng hộp tại Mỹ đã tăng 9,7% lên 2,7 tỷ USD vào năm 2022. Các Giám đốc điều hành trong ngành cho rằng, thành quả này đến từ sự gia tăng trong nhu cầu những người dùng trẻ muốn tìm kiếm thêm nhiều loại thực phẩm mới lạ có giá thành phải chăng.
Để tận dụng xu hướng, các hãng cá đóng hộp đang tung ra nhiều sản phẩm mới, mở rộng sản xuất và hợp tác với các KOLs (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Mathew Scaletta, Giám đốc điều hành Wildfish Cannery, cho biết doanh số đồ đóng hộp tăng cao đến mức công ty có trụ sở tại Alaska này đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng. Được biết Wildfish lần đầu tiên chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch bùng phát, sau đó tăng gấp đôi vào năm 2022.
Cá đóng hộp của Wildfish được hun khói và đóng gói thủ công tại Alaska, ướp cùng một vài hương liệu để dậy mùi vị. Chúng có giá cao hơn so với các sản phẩm cá ngừ thông thường bán đại trà tại các cửa hàng tạp hóa trên khắp nước Mỹ.
“Trước đây, chúng tôi đã phải giải thích rất nhiều mỗi khi mọi người thắc mắc ‘Tại sao cái lon này lại có giá 20 USD?”, ông Scaletta nói. Được biết, Wildfish đã thuê một địa điểm sản xuất mới, đồng thời bổ sung thêm thiết bị để duy trì hoạt động. Dự kiến, một nhà máy đóng hộp mới trên Đảo Prince of Wales của Alaska sẽ sớm được xây dựng.
Những gã khổng lồ cùng ngành, chẳng hạn như Bumble Bee Foods LLC, cũng đang tăng cường tiếp thị. Công ty có trụ sở tại San Diego năm ngoái đã phát động chiến dịch quảng cáo “Tốt cho bạn”, chủ yếu nhắm đến các đối tượng trẻ để quảng cáo đồ hộp cao cấp và xóa tan định kiến rằng cá đóng hộp không dành cho những người sành ăn. Bumble Bee Foods cũng bán dòng “Protein on the Run”, đi kèm với bánh quy giòn, thìa và kẹo caramel.
“Cá ngừ có thể làm được nhiều thứ hơn so với bánh sandwich cá ngừ tiêu chuẩn. Bạn sẽ có những trải nghiệm mới mẻ cùng sản phẩm cá ngừ đóng hộp của chúng tôi”, Jeremy Zavoral, Giám đốc tiếp thị thương hiệu Bumble Bee cho biết.
Theo các Giám đốc điều hành, động lực cho sự gia tăng nhu cầu phần lớn đến từ các phương tiện truyền thông xã hội. Tìm kiếm trên ứng dụng mạng xã hội TikTok cho thấy tính đến nay, đã có hơn 25 triệu lượt xem các video gắn hashtag #tinnedfish, trong đó, người dùng thường chia sẻ trải nghiệm của họ với các loại đồ hộp khác nhau và gợi ích một số thương hiệu nhất định.
Ali Hooke, một cựu đầu bếp chuyên nghiệp hiện đang thực hiện các video về đồ ăn, hồi năm ngoái đã đăng tải video “đêm hẹn hò với cá hộp”. “Chúng tôi có một ít cá hộp trong tủ nên quyết định rót rượu vang ăn kèm. Đó là tất cả những gì chúng tôi có, nhưng rất vui”. Từ đó, Ali Hooke tiếp tục đăng tải video hẹn hò hướng dẫn các cặp đôi nấu ăn tại nhà, trong đó có món cá hộp.
Tính viral của video đã giúp doanh số cá đóng hộp được thúc đẩy. Scout Canning, công ty có trụ sở tại Vancouver cho biết, doanh thu trong năm 2022 đã tăng 82% lên 4 triệu USD. Scout Canning hiện cũng đang làm việc với những KOLs TikTok nổi tiếng chẳng hạn như cô Hooke để lan tỏa thương hiệu. Theo Adam Bent, Giám đốc điều hành Scout, người tiêu dùng đang coi cá đóng hộp thủ công cao cấp như một “dấu ấn văn hóa” để tạo ấn tượng với bạn bè, gia đình.
Tuy nhiên, sự gia tăng trong nhu cầu đã khiến nguồn cung cho các nhà bán lẻ bị ảnh hưởng. Patrick Martinez, người sáng lập Tinned Fish Market có trụ sở tại Vương quốc Anh, bắt đầu bán hải sản cách đây 4 năm tại các chợ ở Liverpool, Manchester và London. Sản phẩm chủ yếu được nhập từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nơi cá đóng hộp từ lâu đã trở thành một sự lựa chọn ngon, rẻ, phổ biến.
Ông Martinez cho biết nhu cầu tăng cao khiến quá trình giao hàng bị kéo dài tới 5 tháng. Nhiều sản phẩm chỉ được sản xuất nếu có đơn đặt hàng.
“Loại hình sản xuất thủ công này không thể dễ dàng mở rộng quy mô”, ông Martinez nói, đồng thời cho biết đang cố gắng không chuyển chi phí phát sinh tới khách hàng.