Theo CNBC, giải độc đắc của loại hình xổ số Powerball đã tăng lên 1,6 tỷ USD sau khi kỳ quay hôm 5/11 chưa tìm thấy chủ nhân.
Đây là lần thứ hai độc đắc Powerball vượt 1 tỷ USD dù đã ra đời từ 30 năm trước. Việc giá trị Powerball vượt mốc 1,6 tỷ USD cũng thiết lập kỷ lục xổ số mới.
Trước đó, Jackpot cao nhất của Powerball đạt 1,5 tỷ USD, được trao cho một người may mắn hồi đầu năm 2016.
Jackpot tỷ USD xuất hiện ngày càng thường xuyên
Trên thực tế, đây là Jackpot tỷ USD lần thứ hai xuất hiện trong năm nay, lần thứ nhất thuộc về tấm vé số của loại hình Mega Millions.
Kể từ năm 2016, thời điểm lần đầu tiên nước Mỹ xuất hiện giải độc đắc trị giá từ 1 tỷ USD, đã có thêm 4 lần xổ số Mỹ vượt giá trị này.
Theo các chuyên gia, sự phổ biến của các tấm vé số tỷ USD là do thiết kế của nhà phát hành. Điều này đồng nghĩa khả năng người chơi trúng giải độc đắc ngày càng thấp.
Ví dụ, nếu không có người chiến thắng trong một kỳ quay số, kích thước của Jackpot sẽ được nâng lên. Do đó, việc thiết kế sao cho giải thưởng khó trúng hơn có thể khiến Jackpot giá trị cao xuất hiện thường xuyên hơn, đồng thời kích thích người chơi mua vé số nhiều hơn.
Victor Matheson - giáo sư kinh tế tại Đại học Holy Cross, người thường xuyên nghiên cứu xổ số - cho biết nhà phát hành đứng sau Powerball đang tăng độ khó trúng thưởng suốt nhiều thập kỷ qua.
Sự thay đổi lớn nhất bắt đầu vào năm 2015, khi Powerball bổ sung thêm tổ hợp số để giảm gần một nửa tỷ lệ trúng độc đắc xuống 1:292,2 triệu. Trước thời điểm này, tỷ lệ thắng Powerball là 1:175 triệu.
“Họ đã và đang biến việc chiến thắng trở nên khó khăn hơn”, ông nhận định.
Tăng độ khó trúng thưởng
Tăng độ khó không phải chiến lược duy nhất mà các nhà phát hành áp dụng để giúp Jackpot hấp dẫn. Matheson cho biết Hiệp hội Xổ số Đa bang (MUSL), tổ chức phi lợi nhuận hiện điều hành một nhóm xổ số bao gồm Powerball, đang hưởng nhiều doanh thu hơn từ hoạt động bán vé số nhờ sức hút của giải độc đắc thay vì các giải thưởng nhỏ hơn.
MUSL cũng dần mở rộng phạm vi hoạt động của Powerball. Trò chơi hiện bán vé ở 45 tiểu bang của Mỹ, bao gồm 14 tiểu bang mới thêm kể từ năm 2009.
Phần lớn quá trình mở rộng đó bắt nguồn từ thỏa thuận năm 2009 của MUSL với nhà phát hành xổ số Mega Millions. Trước đây, hai giải xổ số hoạt động độc quyền ở các bang riêng biệt và thỏa thuận của họ đã mở đường cho các giải độc đắc lớn hơn cho cả Powerball và Mega Millions.
Mega Millions đã đi theo con đường của Powerball từ năm 2017. Sản phẩm này vừa tăng giá bán vé, đồng thời thêm nhiều tổ hợp số để tăng quy mô giải độc đắc.
Kết quả là tỷ lệ cược của Mega Millions cũng tăng vọt. Tỷ lệ chiến thắng hiện tại giảm từ 1:259 triệu xuống 1:302,6 triệu.
Gần đây, tình trạng lãi suất tăng cũng đang giúp các nhà khai thác xổ số đưa ra các giải độc đắc lớn hơn.
Người chơi có hai lựa chọn nếu chiến thắng là nhận tiền ngay hoặc nhận dần theo niên kim 30 năm. Do vậy, lãi suất cao hơn giúp tổng số tiền thanh toán từ quỹ niên kim đó cao hơn.
Các nhà khai thác xổ số ngày nay đã tìm thấy điểm hấp dẫn bằng cách thiết kế tỷ lệ cược gần tương đương với quy mô dân số. Tỷ lệ cược của Powerball là 1:292 triệu và tổng dân số ở các tiểu bang nơi vé được bán là gần 320 triệu.
Theo Matheson, điều này giúp trò chơi tạo ra những giải thưởng hấp dẫn trong khi cơ hội chiến thắng đủ để người chơi không mất hy vọng. “Bởi vì xổ số là để bán hy vọng”, ông nói.
Đến nay, các nhà phát hành không còn nhiều lý do để làm xổ số khó trúng hơn, trừ khi quy mô giải độc đắc tiếp tục tăng lên. Giải đặc biệt lớn hơn có thể liên quan đến giá bán vé hoặc do mở rộng sang những tiểu bang mới.
Hiện chỉ có năm tiểu bang của Mỹ chưa bán vé Powerball hoặc Mega Millions. Tổng dân số của nhóm này cũng tương đối nhỏ, khoảng 13,5 triệu người.
Tin tốt cho những người chơi xổ số là khi MUSL thay đổi thiết kế để khiến giải đặc biệt khó trúng hơn, họ cũng giảm độ khó của những giải thưởng thấp hơn như một cách để xoa dịu sự thất vọng của mọi người khi không mang về nhà hàng triệu USD.