Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022, tổng giá trị hàng hóa của Grab đã đạt xấp xỉ 5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, so với quý III /2022, GMV của hãng gọi xe công nghệ lớn nhất Đông Nam Á bắt đầu có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ 2%.
Tuy nhiên, Grab tiếp tục gây bất ngờ khi thu về 502 triệu USD, là mức doanh thu hàng quý lớn nhất từ trước đến nay của hãng, tăng 310% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 31% so với quý liền trước cùng năm.
Trong quý cuối năm 2022, Grab lỗ ròng 391 triệu USD. Dù cải thiện tới 64% so với cùng kỳ, con số này vẫn cao hơn 14,3% so với quý liền trước.
Khoản lỗ tính theo hệ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đã điều chỉnh cuối kỳ đạt 111 triệu USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2021.
Liên tục lập kỷ lục doanh thu
Lý giải nguyên nhân doanh thu tăng đột biến, Grab cho biết lý do chủ yếu đến từ xu hướng tăng trưởng trong mảng gọi xe di chuyển và giao hàng nói chung. Nền tảng này cũng mạnh tay tiết giảm ngân sách cho các loại ưu đãi.
Riêng động thái thay đổi mô hình kinh doanh đối với một số dịch vụ giao hàng nhất định đã giúp ứng dụng thu về thêm 68 triệu USD trong quý IV/2022. Mặt khác, doanh thu của Grab cũng chịu không ít ảnh hưởng từ biến động tỷ giá.
Lũy kế cả năm 2022, GMV của hãng gọi xe này đạt 19,9 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2021. Mức GMV này khớp với dự báo tăng trưởng 22-25% hồi đầu năm. Trên cơ sở tiền tệ không đổi, GMV của Grab có thể tăng 30% so với cùng kỳ.
Trong năm, nền tảng gọi xe này thu về tổng cộng 1,4 tỷ USD, tăng 112% so với con số 675 triệu USD ghi nhận vào năm trước đó.
Dẫu vậy, Grab vẫn lỗ ròng 1,7 tỷ USD, lỗ hệ số EBITDA cũng ở mức 798 triệu USD. Trong năm 2021, ứng dụng gọi xe này lỗ tới 3,5 tỷ USD và lỗ hệ số EBITDA đã điều chỉnh vào khoảng 842 triệu USD.
Trong cơ cấu doanh thu của Grab, mảng gọi xe di chuyển và giao hàng không có nhiều chênh lệch, lần lượt đóng góp 639 triệu USD và 663 triệu USD. Tuy nhiên, trong khi mảng gọi xe di chuyển đem về cho hãng 494 triệu USD lãi hệ số EBITDA đã điều chỉnh thì mảng giao hàng lại gây lỗ 35 triệu USD.
Ngoài ra, các mảng kinh doanh khác của Grab nhìn chung đều chứng kiến sự tăng trưởng cả về chỉ tiêu tài chính lẫn GMV. Duy nhất mảng dịch vụ tài chính vẫn rơi vào tình trạng càng làm càng lỗ khi cả năm 2022 chỉ thu về 71 triệu USD nhưng lỗ EBITDA đã điều chỉnh đến 415 triệu USD.
Grab cho biết doanh thu mảng giao hàng tăng mạnh chủ yếu nhờ sự đóng góp từ chuỗi siêu thị Jaya Grocer tại Malaysia. Ngoài ra, việc cắt giảm ưu đãi và thay đổi mô hình kinh doanh cũng đem lại nhiều kết quả tích cực.
Trong khi đó, mảng gọi xe di chuyển được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu sau khi các thị trường mở cửa trở lại. Xu hướng này đã thúc đẩy thói quen đi lại và tăng số lượng cuốc xe di chuyển quanh khu vực sân bay.
Trong năm 2023, ứng dụng dự báo doanh thu đạt 2,2-2,3 tỷ USD, tăng 54-60% so với năm 2022 và lỗ EBITDA đã điều chỉnh khoảng 275-325 triệu USD.
Đáng chú ý, Grab dự báo có khả năng hòa vốn EBITDA vào quý IV/2023, sớm hơn những ước tính ban đầu là nửa cuối năm 2024.
Cắt giảm mạnh chi phí
“Kết quả thực hiện trong năm 2022 và quý IV thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc đẩy nhanh con đường đạt được lợi nhuận”, ông Anthony Tan, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Grab, khẳng định.
Theo người đứng đầu công ty, thành quả của Grab đến từ việc tập trung nắm bắt sự phục hồi của nhu cầu di chuyển, tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí để phục vụ, đổi mới các sản phẩm và dịch vụ nhằm thúc đẩy sự gắn bó, tương tác trong hệ sinh thái. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng bền vững và nâng cao hiệu quả của hệ sinh thái.
“Bền vững” và “giảm chi phí” là hai từ khóa được CEO Grab liên tục đề cập trong các báo cáo tài chính gần đây. Trên thực tế, hãng gọi xe đang thực hiện đúng cam kết khi liên tục điều chỉnh ngân sách dành cho khuyến mãi, ưu đãi tới người dùng và đối tác. Đây cũng là một trong những khoản chi lớn nhất mà doanh nghiệp này bỏ ra để thu hút thêm người dùng.
Trong quý IV/2022, ưu đãi dành cho đối tác và người dùng đạt lần lượt 174 triệu USD và 238 triệu USD, giảm tương ứng 20% và 35% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị khoản ngân sách này cũng đã chạm đáy của năm 2022.
Tính chung cả năm 2022, Grab chi tổng cộng gần 2 tỷ USD cho ưu đãi, bao gồm 801 triệu USD cho đối tác và 1,169 tỷ USD cho khách hàng. Con số này vẫn tăng khoảng 10,5% so với năm 2021.
Tuy nhiên, tổng ưu đãi của Grab đã giảm từ mức 11% GMV vào năm 2021 xuống còn 10% GMV trong năm 2022.