Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 21/9, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã giảm từ hơn 92 USD/thùng xuống dưới ngưỡng 90 USD /thùng, rồi quay đầu bật tăng lên 93,2 USD/thùng.
So với một ngày trước đó, giá của mỗi thùng dầu Brent đã tăng 2 USD, tương đương 2,3%. Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ ghi nhận mức tăng 2,32% lên 85,6 USD/thùng.
Các thông tin về cuộc họp chính sách quan trọng của Mỹ và xung đột Nga - Ukraine đã thay nhau chi phối thị trường dầu, khiến giá biến động liên tục.
Cuộc họp quan trọng của Fed
Giải thích với Zing, ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cho rằng giá dầu và các hàng hóa khác sụt giảm vào đầu ngày khi thị trường chờ đợi động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 20 và 21/9, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ công bố đợt nâng lãi suất tiếp theo và đưa ra dự báo về lạm phát, triển vọng kinh tế Mỹ.
"Động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương sẽ làm tê liệt triển vọng nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn", vị chuyên gia nhận định.
"Nhìn chung, các thị trường hàng hóa đang suy yếu do xu hướng thắt chặt chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ để kìm hãm lạm phát", ông Moya nói thêm.
Giới quan sát tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, hay 75 điểm cơ bản, lần thứ 3 liên tiếp. Nhưng một số nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất 1 điểm phần trăm để đối phó với lạm phát dai dẳng.
Theo công cụ theo dõi của CME, tính đến ngày 20/9, 16% nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất 100 điểm cơ bản.
Rủi ro nguồn cung phình to
Tuy nhiên, đà sụt giảm của dầu nhanh chóng đảo chiều sau động thái mới nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo Sputnik, hôm 21/9, ông Putin đã ký sắc lệnh tổng động viên, triệu tập thêm 300.000 quân nhân phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân nhân kể từ sau Thế chiến II.
Động thái leo thang này làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu và khí đốt trên toàn cầu, thúc đẩy giá tăng cao.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã có kế hoạch áp đặt lệnh cấm đối với các dịch vụ vận chuyển dầu qua đường biển kể từ ngày 5/12. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính lệnh cấm sẽ khiến sản lượng dầu của Nga giảm xuống 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 2 năm sau, giảm 1,9 triệu thùng/ngày so với tháng 2 năm nay.
Theo cơ quan này, việc chuyển từ sản xuất điện bằng khí đốt sang dầu khi nguồn cung khí đốt bị thu hẹp cũng sẽ làm tăng nhu cầu dầu. Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga có thể ghi nhận mức giảm ít hơn nếu G7 triển khai kế hoạch áp trần giá dầu thành công.
"Nguồn cung dầu thực tế vẫn đang trong tình trạng thắt chặt", ông Moya bình luận. Theo tài liệu được lưu hành nội bộ, sản lượng dầu trong tháng 8 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) thấp hơn mục tiêu tới 3,583 triệu thùng/ngày.
"Những cuộc khảo sát về khả năng khai thác của các thành viên OPEC+ cho thấy họ không thể gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông Andrew Lipow - Chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận.
Khi triển vọng kinh tế xấu đi, OPEC+ cũng chuyển hướng từ tăng sản lượng sang thắt chặt nguồn cung để giữ giá dầu ở mức cao. Nhóm này cảnh báo có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng trong những tháng tới.