Chỉ số IIP của tỉnh Bắc Ninh trong tháng 2/2023 ước tính giảm 15,6% so với tháng trước và giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,8% so với tháng trước và giảm 13,3% so với tháng 2/2022; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2% và tăng 15,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,5% và tăng 27,9%.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành trọng điểm của tỉnh giảm nhiều nhất (giảm 19,3% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước). Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất không đạt được như kỳ vọng do lượng hàng tồn kho nhiều, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, dẫn đến sản phẩm tiêu thụ có dấu hiệu chững lại.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP của Bắc Ninh giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,1%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,7%. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức giảm sau 4 năm liên tiếp đạt mức tăng.
Chỉ số IIP 2 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: ngành sản xuất thiết bị điện (-36,3%); in, sao chép bản ghi các loại (-33,6%); sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (-32,3%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (-32,2%); sản xuất trang phục (-30,3%)...
Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp bắc ninh tại thời điểm 1/2/2023 giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt những vẫn ở mức cao. Còn trong nước, đơn hàng sản xuất giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm.
Kinh tế của tỉnh Bắc Ninh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái nhẹ, lạm phát, giá các mặt hàng tăng cao khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, ưu tiên cho những hàng tiêu dùng thiết yếu nên nhiều mặt hàng bị thu hẹp thị trường xuất khẩu. Những điều này tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm sút.