Rất nhiều cuốn sách viết về chủ đề bình đẳng giới và các vấn đề của nữ giới thường đưa ra các ví dụ về việc phái yếu thường không được hiểu đúng và nhìn nhận đúng giá trị ở nơi làm việc.
Những cuốn sách này chỉ ra rằng nam giới thiếu để tâm tới những bất công mà nữ giới phải chịu hoặc chính nam giới đã cố tình tạo ra sự bất bình đẳng này nhằm hạ thấp thành công của phụ nữ.
Hiếm khi, hoặc gần như không có cuốn sách nào chỉ ra quan điểm của nam giới, những lập luận đằng sau hành vi của nam giới, đôi khi những động cơ của họ không hề cố ý như ta tưởng. Nếu như nam giới cần hiểu được suy nghĩ và hành vi của nữ giới thì ngược lại nữ giới cũng cần hiểu về nam giới.
Nữ giới tin rằng nếu phái mạnh chịu thay đổi hành vi của mình thì môi trường làm việc sẽ dễ chịu hơn nhiều cho phụ nữ. Nhưng câu trả lời không đơn giản như vậy. Theo những nghiên cứu và quan sát của chúng tôi, có hai lý do căn bản có liên quan đến nhau giải thích cho hành vi của nam giới trong công việc. Cả hai lý do này đều khiến nam giới khó có cái nhìn khác về môi trường làm việc và khó nhận ra hành vi của họ cần phải thay đổi:
· Mô hình làm việc được xây dựng cho phái mạnh
· Tư tưởng cố hữu gắn liền với mô hình đó.
Mô hình làm việc truyền thống mà chúng ta biết hiện nay đã trở nên phổ biến tới mức hiếm khi nào đàn ông hay phụ nữ nhìn lại và nhận ra môi trường làm việc hiện nay được xây dựng dành riêng cho nam giới và phù hợp với các hành vi của phái mạnh. Tất nhiên mô hình này thoải mái với nam giới bởi khi họ xây dựng các công ty từ rất nhiều năm trước, phần đông lực lượng lao động đều là nam giới.
Cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của một doanh nghiệp khi khởi thủy khá giống mô hình mệnh lệnh và thi hành trong quân đội. Kết quả là chúng ta có một môi trường làm việc cạnh tranh, đề cao tốc độ ra quyết định, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc và mức độ hoàn thành mục tiêu. Mô hình này hoàn toàn phù hợp với tư duy và hành vi tự nhiên của nam giới, do đó họ khó có thể hình dung một môi trường làm việc hoặc cách thức làm việc nào khác.
Thông thường chúng ta sẽ cho rằng ở xã hội hiện đại nam giới cảm thấy thoải mái trong công việc hơn phụ nữ, bởi họ làm chủ về những quy tắc, thủ tục, lịch trình và họ hoàn toàn không ý thức cần thay đổi điều gì. Nam giới thường tin rằng “cái gì chưa hỏng thì chưa cần phải sửa".d
Tuy nhiên, phụ nữ không cảm thấy thoải mái với mô hình làm việc này. Nó không phù hợp với cách tư duy và hành động của họ. Đối với nữ giới, mô hình ra lệnh là một thứ họ buộc phải chấp nhận và làm quen mỗi ngày chỉ để tồn tại. Đó là lý do hơn một nửa phụ nữ chúng tôi đã gặp tại các khóa tập huấn đều đang cân nhắc ý định nghỉ việc.
Đa phần phụ nữ đều nhận ra thực tế khắc nghiệt này sau khi tốt nghiệp đại học bởi đó là lần cuối cùng họ được làm việc với nam giới trong bầu không khí đoàn kết, phối hợp và chia sẻ, trước khi họ phải đối mặt với thực tế phũ phàng. Ở nơi làm việc, đa phần nam giới đều nhanh chóng thích ứng một cách tự nhiên trong khi đại bộ phận nữ giới vì được muốn nhìn nhận và chấp nhận như nam giới, đành phải bước vào một môi trường mà nếu được họ sẽ muốn biến đổi hoàn toàn.
Có hai cách làm việc nhóm khác nhau phản ánh những cách thức nam giới và nữ giới hợp tác với nhau trong công việc. Dưới đây là một vài phương thức tiếp cận khác nhau mà nam giới và nữ giới thường áp dụng trong công việc và khi làm việc nhóm.
Nam giới phát biểu:
· “Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ưu tiên và tập trung vào từng việc, nếu không tôi sẽ không thể hoàn thành việc gì vì việc nào cũng 'đang được cân nhắc'”.
· “Tôi chỉ thích làm việc một mình, tôi không thích họp hành nhiều. Tôi ghét phải nói nhiều trong khi có thể hoàn thành những việc khác”.
· “Tôi có thể hoàn thành nhiều việc hơn nếu tôi biết được người khác kỳ vọng gì ở mình và tôi được tự do làm việc của mình với tốc độ phù hợp với tôi”.
Nữ giới phát biểu:
· “Cần phải xem xét nhiều vấn đề cùng lúc. Có thể có rất nhiều điểm liên quan đến nhau và ta dễ dàng bỏ qua điều gì đó”.
· “Tôi thường nảy ra những ý tưởng tốt nhất khi đặt câu hỏi cho người khác và yêu cầu họ đặt câu hỏi cho mình”.
· “Những việc được thực hiện cũng như những quan hệ tạo dựng được trong quá trình hướng tới đích đến có ý nghĩa quan trọng không kém so với đích đến đó”.
Cả hai cách tiếp cận này đều hiệu quả và đều có tác dụng riêng.
Tuy nhiên, trong vòng ba mươi năm qua môi trường làm việc cũng như thị trường lao động đã có nhiều thay đổi chóng mặt. Ngày nay số lượng nữ giới tham gia lao động cũng ngang ngửa với nam giới và thị trường lao động không còn bó hẹp trong phạm vi của một quốc gia mà đã mở rộng ra toàn cầu và ngày càng trở nên đa dạng.
Mô hình lên kế hoạch và ra quyết định tập trung từng rất hiệu quả trong giai đoạn công nghiệp trước đây giờ đã không còn phù hợp với công tác lãnh đạo trong bối cảnh xã hội hiện đại phức tạp nữa. Ngày nay, mô hình chủ đạo và dẫn dắt phương thức làm việc và kinh doanh thương mại trong nhiều năm trước đang dần nhường bước cho một mô hình hợp tác phù hợp hơn trong kỷ nguyên thông tin. Mô hình này thật ra gần gũi hơn với cách tư duy và làm việc của phụ nữ.
Nếu nhìn xa hơn, ta sẽ thấy mô hình làm việc do nam giới thống trị là một sản phẩm của đặc điểm tâm sinh lý xuất phát từ bộ não của nam giới. Cách tư duy của nam giới trong công việc là quyết định một cách độc lập, tập trung vào từng vấn đề trong từng thời điểm và lập tức bắt tay vào hành động. Đây cũng là cách thức nam giới tiếp cận thế giới xung quanh và rất khó để thay đổi những tư tưởng cố hữu này.
Mặc dù văn hóa doanh nghiệp vốn dành cho nam giới này đang dần điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi của xã hội nhưng bộ não của nam giới sẽ không dễ dàng thay đổi như vậy. Dù thế, nam giới và nữ giới vẫn có thể tìm ra cách làm việc với nhau để bổ trợ lẫn nhau thay vì đối chọi với những khác biệt về đặc điểm tự nhiên của giới, nếu cả hai biết lắng nghe và thấu hiểu bản chất của nửa kia.
Khi nam giới và nữ giới không được tôn trọng, ghi nhận hoặc đề cao trong công việc, họ dễ có xu hướng đổ lỗi cho người quản lý hoặc cho các đồng nghiệp. Phụ nữ phải chấp nhận môi trường làm việc do nam giới tạo ra và làm chủ, do đó họ cảm thấy mình là phái yếu, họ thấy bị điều khiển bởi những giá trị không phù hợp với bản chất của mình. Giới nữ cảm thấy thường bị xem nhẹ, bị gạt ra, bị nghi ngờ hay bị thử thách. Kết quả là họ thường đổ lỗi cho nam giới.
Nếu tình thế không khả quan hơn, nữ giới sẽ nhận thấy họ phải cho đi nhiều hơn những gì họ nhận lại. Họ không còn thấy được những điểm mà họ yêu thích trong công việc nữa, thay vào đó họ sẽ chỉ còn thấy các quy tắc, chu trình, hành vi khiến họ cảm thấy bất mãn.
Theo thời gian, những yếu tố khiến họ gắn bó với công việc và công ty, những lý do làm họ cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn khi bắt đầu, sẽ dần biến mất và không còn nữa. Phụ nữ thường cảm thấy họ ít thỏa mãn trong công việc hơn nhưng chỉ một số ít sẽ quyết định thôi việc còn đại đa số sẽ cố chịu đựng và ở lại nhưng họ không còn nhiệt tình cống hiến nữa.