Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, Guardian dẫn thông tin từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Đây là tốc độ trưởng tăng nhanh nhất trong một năm, vượt qua dự báo tăng 4% từ các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
“Tốc độ phục hồi đã vượt quá cả những kỳ vọng tương đối lạc quan của chúng tôi”, Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết.
Ông nói thêm tốc độ tăng trưởng cả năm của Trung Quốc có thể đạt 6%, vượt mục tiêu chính thức của chính phủ là khoảng 5%.
“Cùng với niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện và tăng trưởng tín dụng tăng tốc, vẫn có khả năng hoạt động tăng trưởng phục hồi sẽ tiếp tục trong những tháng tới”, ông nói.
Động lực
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng tốc sau khi các biện pháp hạn chế do ảnh hưởng đại dịch và hạn chế thương mại với Mỹ khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Trung Quốc đã từ bỏ hạn chế "Zero Covid-19" vào tháng 12/2022 trong bối cảnh các đợt phong tỏa kéo dài khiến một số thành phố trên khắp đất nước tê liệt.
Vào năm 2022, GDP của Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ giữa những năm 1970, nếu không tính đến năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Vào tháng 3, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm khiêm tốn là 5%, đồng thời thừa nhận rằng Covid-19 và các yếu tố trong nước cùng quốc tế khác đã ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước “ngoài dự đoán của chúng tôi”.
Tuy nhiên, việc nới lỏng đã giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong lĩnh vực bán lẻ. Nền kinh tế tiêu dùng của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi, với doanh số bán lẻ tăng 10,6% trong tháng 3, đánh dấu bước nhảy vọt lớn nhất trong gần hai năm và cao hơn gấp đôi so với dự báo.
Đầu tư sản xuất tăng 7% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên và sản lượng công nghiệp tăng 3%.
Xuất khẩu cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 8,4% trong quý đầu tiên và đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước đứng đầu tăng 8,8%, trong khi tổng đầu tư tài sản cố định tăng 5,1%. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân yếu, chỉ tăng 0,6%, cho thấy sự suy giảm trong tháng 3.
Cơ quan thống kê Trung Quốc đánh giá với các biện pháp ổn định tăng trưởng, việc làm, giá cả được thực hiện đồng bộ, góp phần tăng thêm các yếu tố tích cực, giúp nền kinh tế phục hồi ổn định và khởi đầu tốt đẹp trong quý I.
Tuy nhiên, đối mặt với tình hình quốc tế phức tạp, nhu cầu trong nước còn yếu, nền tảng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa vững chắc.
Thách thức
Ông Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho rằng các số liệu của quý I cho thấy "sự phục hồi ổn định" và báo hiệu "khởi đầu tốt" cho năm 2023.
Dù vậy, ông Fu nhấn mạnh nước này cần cảnh giác vì tình hình nước ngoài vẫn còn phức tạp và biến động.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn bị ảnh hưởng bởi một loạt cuộc khủng hoảng, từ lĩnh vực bất động sản cho đến lạm phát toàn cầu gia tăng và nguy cơ suy thoái ở những nơi khác.
Nhà phân tích Teeuwe Mevissen của Rabobank cho biết cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản leo thang - cùng với ngành xây dựng chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc - tiếp tục đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.
Khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục, với số lượng nhà ở mới bắt đầu giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên, theo Financial Times.
Doanh số bán nhà theo diện tích sàn giảm 1,8% nhưng doanh số bán theo giá trị tăng 4,1%, cho thấy sự phục hồi mới về giá. Vào tháng 3, giá nhà mới tăng với tốc độ nhanh nhất trong 21 tháng.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,3% trong tháng 3 từ 5,6% vào tháng 2, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao thứ hai trong lịch sử, ở mức 19,6%.
Bên cạnh đó, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm vận từ Mỹ, sản lượng thiết bị vi xử lý giảm đến 21,6% so với năm 2022, trong khi số điện thoại xuất xưởng giảm 6,7%.
Các nhà kinh tế cho biết động lực sẽ tăng trong quý II, nhờ hiệu ứng cơ sở thấp, nhưng cảnh báo rằng tiêu dùng và bất động sản có thể gặp khó khăn để duy trì tăng trưởng mạnh, trong khi xuất khẩu có thể bị đe dọa bởi các thị trường phát triển yếu hơn.
Các chuyên gia cũng nhận định chính quyền Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng uy tín đối với khu vực tư nhân.
Vào tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã phát tín hiệu tại quốc hội rằng chính phủ sẽ nới lỏng giám sát đối với hoạt động kinh doanh của các nhà phát triển bất động sản và công nghệ trong nước.
Keyu Jin, giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho biết trở ngại lớn nhất là khoảng cách về nhu cầu của khu vực tư nhân, cả về tiêu dùng và đầu tư.
“Sẽ mất thời gian để niềm tin trở lại với nền kinh tế Trung Quốc", bà cho hay.