Từ nước ép trái cây 9,8 USD đến nasi padang (một kiểu cơm trộn) 24 USD, nhiều cửa hàng trên khắp Singapore đang hứng chịu vô số lời chỉ trích khi tăng giá thực phẩm và đồ uống.
Mới đây, Kong MaLa, một người mua sắm, đã đăng bài viết phàn nàn về việc phải trả tiền cho cốc nước đá có giá 1,4 USD tại trung tâm ẩm thực đường phố Amoy. Sự việc xảy ra vào hôm 11/5.
Ban đầu, Kong nghĩ ly nước chỉ tầm 50 xu đổ lại. Cô cho biết từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết gian hàng đồ uống đều nâng giá nước lọc từ 30 cent lên 40-50 cent.
“Tôi khá sốc khi chủ quán đưa lại tiền thừa là mấy đồng lẻ sau khi nhận 2 USD từ tôi. Đó là con số quá đáng với một ly nước. Nó còn đắt hơn cả mua nước khoáng, cà phê hay trà”, cô gái than thở.
Trong phần bình luận, một số dân mạng đồng ý với Kong. Nhiều người nói rằng gian hàng đã lợi dụng thời tiết nắng nóng để điều chỉnh giá. Trong khi số khác cho hay họ gặp không ít quầy đồ uống tính phí từ 60 cent đến 1 USD cho mỗi cốc nước đá, theo Asia One.
Trên các bài đánh giá của Google, AsiaOne nhận thấy gian hàng mà Kong đề cập có xếp hạng 4,8 sao với tổng số 13 nhận xét. Vị trí thấp nhất là 4 sao.
Theo chia sẻ của một người phụ nữ, trà ở chỗ này đã có giá 1 USD từ năm ngoái. Tháng 12/2022, những khách hàng khác cũng bày tỏ sự bất ngờ của họ trên mạng khi nước lọc bị tính tới 50 cent.
Chủ quầy đồ uống giải thích anh buộc phải làm vậy để theo kịp vật giá leo thang.
"Gần đây, giá cả tăng chóng mặt và ai cũng biết hóa đơn điện nước ngày càng đắt đỏ. Chúng tôi còn phải trang trải phí dịch vụ như đun nước và rửa cốc", người đàn ông 60 tuổi nói.
Theo thống kê của Numbeo vào năm 2022, đảo quốc sư tử là một trong 10 quốc gia có chi phí sinh sống cao nhất trên thế giới. Bảng xếp hạng dựa trên một loạt tiêu chí, bao gồm hàng tạp hóa, nhà hàng, phương tiện đi lại, quần áo, Internet và tiện ích, nhưng không tính tiền thuê nhà.
Trong đó, rượu được coi là mặt hàng xa xỉ ở Singapore. Một chai rượu tầm trung có giá 21,99 USD. Thưởng thức một ly rượu vang tại đây đắt hơn 45,43% so với ở Mỹ.
Dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng thuộc hàng đắt đỏ nhất toàn cầu, trung bình mỗi gia đình phải trả một khoản chi phí lớn, lên tới 18.000 USD/năm.
Ngoài ra, thị trường cho thuê đang trong tình trạng bất ổn cũng là nguyên nhân khiến người dân nước này đau đầu.
Trong năm 2022, giá thuê căn hộ của HDB, dạng nhà ở xã hội giá rẻ do Hội đồng Phát triển Nhà ở Singapore (HDB) quản lý, đã tăng 28,5%. Tính đến tháng 12 năm ngoái, mức giá thuê đánh dấu tháng tăng thứ 30 liên tiếp, Straits Times đưa tin.