Mã BFC của phân bón Bình Điền đã trải qua nhiều biến động qua các năm kể từ thời điểm niêm yết. Kể từ thời điểm lên sàn năm 2015 đến nay đã gần 8 năm, giá của cổ phiếu BFC đã có nhiều phen “trồi sụt” cũng như nhiều phiên lập đỉnh. Cụ thể:
Ngày 05/10/2015 giá giao dịch là 11.490 đồng/cổ phiếu, đến ngày 29/06/2016 giá lập đỉnh 25.090 đồng/cổ phiếu.
Ngày 07/09/2017, giá lập đỉnh mới 29.690 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 250% so với mức giá chào sàn đầu tiên.
Năm 2020 là giai đoạn khủng hoảng cho toàn thị trường chứng khoán do sự ảnh hưởng của covid, giá của cổ phiếu Bình Điền giảm sâu 8.160 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/03/2020.
Cho đến đầu năm 2021, mức giá tăng trở lại, lập đỉnh mới 21.030 đồng/cổ phiếu ngày 08/03/2021.
Giai đoạn cuối năm 2021 khi nhà nước mở cửa trở lại, các doanh nghiệp quay về hoạt động bình thường, giá cổ phiếu BFC liên tục lập các đỉnh: Ngày 02/08/2021 đạt 40.870 đồng/cổ phiếu, ngày 15/11/2021 đạt 42,110 đồng/cổ phiếu. Đến 28/03/2022 giá lập đỉnh kỷ lục 48.840 đồng/cổ phiếu.
Sau nhiều thông tin, sự kiện về việc “thao túng” thị trường chứng khoán giai đoạn tháng 4, tháng 5 vừa qua giá BFC giao động ổn định trong vùng 30.000 - 35.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, giá BFC đang giao dịch ở trong vùng 22.000- 23.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này khá “ổn định” trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giới phân tích kỳ vọng từ nay đến cuối năm, có thể mức giá này sẽ tăng do kết quả sản xuất kinh doanh của phân bón Bình Điền năm 2022 vẫn đạt tăng trưởng như kỳ vọng.
Trong năm 2022, BFC đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.427 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm BFC đã hoàn thành 68% doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận (205 tỷ đồng sau 6 tháng) đã đề ra.
Hiện phân bón Bình Điền hiện đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK hàng đầu Việt Nam. Đây là doanh nghiệp luôn nằm trong top 500 công ty lớn nhất Việt Nam, chiếm 28% thị phần phân bón khu vực phía Nam và Tây nguyên, 10% khu vực miền Trung, 10% khu vực miền Bắc.
Sản phẩm NPK của phân bón Bình Điền cũng xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia. Tuy nhiên, năm 2022 dự kiến sản lượng xuất khẩu phân bón cả năm nay của Bình Điền chỉ bằng khoảng 70% so với thực hiện năm 2021 do áp lực giá phân bón tăng quá cao, xuất khẩu gặp khó.
Hiện Bình Điền cũng đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế như Lào, Myanmar để bù đắp sản lượng xuất khẩu sang Campuchia đang bị sụt giảm.