Từ lâu, Trung Quốc đã đặt ra những giới hạn về giao dịch tiền điện tử trong nước. Lo ngại nguy cơ rủi ro từ các hành vi phạm pháp như chuyển đổi tài sản bất hợp pháp và rửa tiền, chính phủ nước này đã đã cấm tất cả dịch vụ liên quan đến tiền mã hoá từ năm 2013. Họ cho rằng Bitcoin không phải một loại tiền tệ thực, cấm các tổ chức tài chính và thanh toán sử dụng nó, đồng thời cấm cửa hàng loạt sàn giao dịch lớn.
Đến năm 2021, ngành công nghiệp đào Bitcoin cũng bị khai tử ở quốc gia tỷ dân. Mặt khác, những biến động mạnh của thị trường trong thời gian qua cũng là một đợt "sát hạch" cho những người ủng hộ tiền điện tử. Bằng chứng là 1.000 tỷ USD của thị trường tiền điện tử bị thổi bay, làm nhiều người rơi cảnh khốn cùng vì mất sạch tiền tiết kiệm.
Lỗ đậm vì mất cảnh giác
Theo Sixth Tone, thông tin về sự lao dốc của tiền mã hóa gần đây đã tràn ngập trên báo đài và các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Họ khẳng định rằng tiền số chỉ là những chuỗi mã số khác nhau, do đó, lệnh cấm của chính phủ giúp giảm thiểu tổn thất của người chơi trên thị trường này. Trong khi đó, trên các diễn đàn người chơi tiền số, các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại liên tục than thở về tình cảnh của mình.
Thảm họa Terra và đồng LUNA chính là một trong những sự kiện làm báo giới nước này tốn nhiều giấy mực nhất. “Thấy giá trị của LUNA giảm đến 80%, nhiều người đã đổ xô mua vào với chiến lược đòn bẩy tài chính. Nhưng chỉ vài ngày sau, họ ngay lập tức nhận phải ‘trái đắng’”, Huang Zijian, một người chơi ngụ ở Thâm Quyến, nói.
Lường trước được điều này, anh đã sớm bán sạch tài sản của mình và rút khỏi dự án. Nhưng một người bạn của Huang lại không may mắn như vậy khi mất trắng gần 60.000 USD chỉ trong 2 ngày. “Nhiều người đã mất cảnh giác vì không lường trước được sự kiện sụp đổ nào có quy mô lớn như thế”, Huang nói.
Một nhà đầu tư khác là Cai Zhuoheng (30 tuổi) cũng là một trong những người may mắn vượt qua thảm họa này. Tham gia thị trường từ sớm, anh đã thua lỗ gần 4.500 USD tiền số nên quyết định bán toàn bộ số tài sản hiện có của mình.
“Nếu lúc đó khoản đầu tư sinh lời thì tôi chẳng vượt qua nổi cú lao dốc của thị trường. Hóa ra lỗ như thế có khi lại tốt hơn vì chẳng ai có thể sống nổi sau cơn đại địa chấn này”, anh nói.
Quyết tâm bám trụ với tiền số
Tuy nhiên, theo Sixth Tone, nhiều người chơi Trung Quốc vẫn tỏ ra không mấy bận tâm trước lệnh đàn áp từ chính phủ và sự lao dốc của tiền mã hóa. Quốc gia tỷ dân hiện sở hữu một cộng đồng người chơi tiền số khổng lồ khi chiếm 10% tổng giao dịch trên nền tảng OKX và Deribit. Công chúng cũng tỏ ra hứng thú với loại hình tài sản này.
Cai Zhuoheng cho biết có nhiều người vẫn quyết tâm tích trữ tài sản và đợi ngày thị trường khởi sắc. Còn những thợ đào Bitcoin dù phải chuyển hoạt động sang nơi khác cũng tỏ ra rất lạc quan với tương lai của loại hình tài sản này.
“Những người rời khỏi thị trường ngay khi gặp lỗ thường chỉ là những nhà đầu tư ngắn hạn. Còn giới thợ đào hoặc những người cược lớn vào tiền số lại tỏ ra rất bình tĩnh và sẽ không từ bỏ nếu chưa kiếm lời từ thị trường này”, Cai chia sẻ.
Về phần mình, Cai Zhuoheng nói rằng anh sẽ mua thêm Bitcoin. Tuy nhiên, anh cho rằng thị trường tiền số đã đánh mất môi trường lý tưởng ban đầu vì ngày càng nhiều dòng tiền đổ vào.
“Với những người mới như chúng tôi, việc đầu tư tiền số chẳng khác gì một trò chơi hái ra tiền. Một khi đã chấp nhận tham gia, chúng tôi phải chấp nhận rủi ro và cả những lợi ích mà nó mang lại”, chàng trai chia sẻ.
Mặt khác, dù đã bán toàn bộ tài sản số của mình, Huang Zijian cho biết anh quyết định vẫn bám trụ với thị trường. Anh sẽ chỉ đầu tư với một phần thu nhập đến từ công việc tay trái để tránh rủi ro sau này.
“Tương tự với Internet, Bitcoin tồn đọng rất nhiều mối nguy nên thường xuyên bị chê bai, dè bỉu và thậm chí là ngăn cấm. Nhưng nhìn chung, giá trị của đồng tiền vẫn có xu hướng tăng và sẽ tiếp tục trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu”, Huang khẳng định.