Shophouse phố núi có giá hàng chục tỷ đồng
Những ngày qua, thị trường bất động sản khu vực Lạng Sơn liên tục được hâm nóng bởi thông tin dự án Mailand Hoàng Đồng Lạng Sơn sẽ mở bán đợt đầu phân khu Shophouse Laporte vào ngày 9/7.
Theo đó, sẽ có 48 căn Shophouse được mở bán với mức giá do chủ đầu tư công bố từ khoảng từ hơn 6 tỷ đồng đến gần 14 tỷ đồng một căn có diện tích đất từ 100-133 m2.
Bảng giá shophouse tại dự án Mailand Hoàng Đồng do các đơn vị môi giởi gửi cho khách hàng
Ngoài ra, theo giới thiệu, các khách hàng mua sản phẩm shophouse tại dự án Mailand Hoàng Đồng cũng sẽ được hưởng hàng loạt ưu đãi như giảm giá đối với người đã mua các sản phẩm bất động sản của Công ty CP Địa ốc Phú Long hay các loại vé dịch nghỉ dưỡng, vé máy bay của các đơn vị thuộc hệ sinh thái Sovico, vốn là công ty mẹ của Địa ốc Phú Long.
Theo tìm hiểu, cái tên “Mailand Hoàng Đồng” là tên thương mại của dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng được cấp phép đầu tư hồi tháng 3.2004, nhưng bị chậm triển khai tận 17 năm và nhiều lần nằm trong tầm ngắm thu hồi.
Tại thời điểm được cấp phép, dự án do Công ty Liên doanh Quốc tế Lạng Sơn (nay là Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn) là nhà đầu tư, quy mô dự án sử dụng đất 186 ha, dự kiến khởi công vào năm 2009.
Giai đoạn I của dự án chính thức giới thiệu ra thị trường khu nhà liền kề cao cấp gồm 240 căn hộ đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm sau đó, do nhiều yếu tố, dự án này bị chậm tiến độ kéo dài.
Tuy nhiên, sau đó, dự án tiếp tục trễ hẹn, đến năm 2011, chủ đầu tư mới tổ chức công bố ra mặt dự án. Khi đó, các hạng mục ban đầu của dự án gồm: 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế; sân golf 18 lỗ với quy mô hơn 60 ha; khu nhà thương mại giai đoạn 1 gồm có 240 căn hộ; khu biệt thự và các công trình phúc lợi như đường giao thông, chợ truyền thống, vườn hoa công viên, vành đai cây xanh, câu lạc bộ vui chơi giải trí, bể bơi, các sân chơi thể thao, hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư dự án là 51 triệu USD.
Không chỉ "làm nóng" thị trường khu vực Lạng Sơn, thông tin về dự án Mailand Hoàng Đồng còn xuất hiện liên tục tại Hà Nội và các tỉnh lân cận
Dự án “treo” 17 năm và tham vọng của Phú Long
Theo tìm hiểu của Markettimes, đến năm 2018, dự án mới được tái khởi động với việc đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-UBND, ngày 30/5/2018.
Theo Quyết định số 979, quy mô diện tích lập quy hoạch được nâng lên hơn 192,8ha. Dự án có 4 hạng mục chính gồm: xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng dự án với quy mô 12,7ha; sân Golf 18 lỗ quy mô sử dụng đất 65,7 ha; khu nhà ở, biệt thự để bán và cho thuê diện tích 43,1ha; xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí 71,3ha. Tổng mức đầu tư dự án được nâng lên hơn 61 triệu USD.
Đến tháng 12/2018, thành phố Lạng Sơn bàn giao cho nhà đầu tư 138ha. Trong đó, hạng mục khu tái định cư bàn giao 8ha, sân Golf 55ha, khu khách sạn 5 sao và vui chơi giải trí 31ha và 43,1ha thuộc khu nhà ở, biệt thự để bán và cho thuê.
Về tiến độ xây lắp, hạng mục nhà ở thương mại đã xây dựng thô 20 khu nhà với 240 căn hộ liền kề từ năm 2010, trong đó có 8 dãy nhà cơ bản hoàn thiện phần thô.
Khu vực tái định cư đã san lấp được khoảng 8ha; khu sân Golf san lấp được 30ha, hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung của dự án mới hoàn thành được 2.500 m của hạng mục hệ thống thoát nước thải và di chuyển đường điện.
Kế hoạch tiến độ đầu tư xây lắp của nhà đầu tư từ năm 2018 đến 2020 của dự án là: khởi công xây dựng khu tái định cư và sân golf giai đoạn 1 trong tháng 6/2018, hoàn thành trong tháng 5/2019; giai đoạn 2 của sân golf hoàn thành trong tháng 8/2020. Hạng mục khách sạn 5 sao khởi công trong tháng 10/2018 và tháng 12/2020 hoàn thành. Cuối năm 2020, cơ bản các hạng mục hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác. Tuy nhiên đến hết năm 2020, tiến độ của dự án vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Trong nhiều năm, dự án khách sạn sân Golf Hoàng Đồng là điểm nhấn "xấu xí" của Lạng Sơn
Ngày 11/6/2021, Thanh tra Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn, do vi phạm tiến độ thực hiện dự án khách sạn sân Golf Hoàng Đồng và 5 hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền phạt 215 triệu đồng.
Tiếp đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh đối với Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn và xác nhận sự thay đổi các cổ đông trong doanh nghiệp; thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án của nhà đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư.
Theo đó, dự án điều chỉnh có quy mô sử dụng đất 202ha, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng, gồm các hạng mục: sân Golf, nhà ở thương mại liền kề, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu tái định cư… với thời gian thực hiện điều chỉnh trong giai đoạn 2021 – 2024.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 6/2021, đại diện Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn đã thừa nhận hạn chế, yếu kém trong việc triển khai dự án và mong muốn UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico (công ty mẹ của địa ốc Phú Long) là đối tác cùng thực hiện dự án.
Sau động thái nói trên của tỉnh Lạng Sơn, địa ốc Phú Long đã từng bước tiến vào dự án sân golf Hoàng Đồng cho đến nay.
Ở thời điểm hiện tại, theo công bố của đơn vị phát triển dự án là Công ty Phú Long, dự án Mailand Hoàng Đồng được định hướng trở thành một cực phát triển phía Bắc của thành phố - một trung tâm đô thị mới nhằm quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư về văn hóa, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn.
Nở rộ dự án đô thị gắn liền với sân Golf
Theo quyết định 1946 năm 2009 của Thủ tướng về đầu tư xây dựng sân golf, nhà đầu tư sân golf được sử dụng 10% diện tích sân golf để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf.
Nhưng theo TS Vũ Đình Ánh, quy định cho phép sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf để xây các công trình phụ trợ là vô lý. Đây là kẽ hở trong cấp phép sân golf. Nên quy định rõ diện tích đất xây dựng sân golf chỉ để làm sân golf, còn khu vực đất dịch vụ phục vụ trong khu vực sân golf phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ.
Thực tế cho thấy, hầu hết các dự án sân golf đều tận dụng tối đa quy định “diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê tối đa không quá 10% diện tích đất sân golf”. Do vậy dự án sân golf luôn kèm theo những khu thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, thậm chí cả chung cư.
Điển hình là sân golf Phượng Hoàng ở Hòa Bình có nhà câu lạc bộ gần 10.000m2, nhà hàng 200 chỗ, phòng tiệc lớn, phòng tiệc nhỏ, khách sạn 5 sao, chung cư. Sân golf Việt Yên (Bắc Giang) có diện tích khoảng 152ha cũng dành hơn 3ha cho những công trình như nhà điều hành, resort cho thuê, khách sạn,...