Trong các thống kê về chi phí sản xuất smartphone, màn hình từng là linh kiện đầu vào đắt tiền nhất. Thành phần này có nhiều tác động đến trải nghiệm sử dụng của khách hàng trên thiết bị. Dù vậy trong vài năm gần đây, bộ xử lý và linh kiện kết nối mạng vươn lên, trở thành những phần cứng tốn kém nhất ở điện thoại cao cấp.
Cụ thể, trong báo cáo mới được công bố của Counterpoint Research, SoC (System on Chip), vốn chứa bộ xử lý trung tâm, GPU, modem mạng và nhiều thành phần chủ chốt khác, là linh kiện đắt tiền nhất trên chiếc Galaxy S23 Ultra.
Một chiếc flagship của Samsung cần 469 USD chi phí phần cứng cho phiên bản 8 GB RAM, 256 GB bộ nhớ. Trong đó, chi phí bộ xử lý trung tâm đã chiếm 35% số tiền, tương đương 164 USD.
Phần màn hình kích thước lớn, độ phân giải QHD+ do Samsung tự sản xuất có giá 66 USD, bằng 18% tổng chi phí. Số tiền cho phần cứng camera cũng tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, khi các nhà sản xuất tập trung phát triển tính năng chụp ảnh. Theo Counterpoint, Samsung đã tối ưu chi phí bằng việc chia sẻ cụm camera cho nhiều nhà sản xuất, gồm cả Sony và SEMCO (công ty con của Samsung).
Mặt khác, Qualcomm cũng vươn lên trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho chiếc điện thoại flagship của công ty Hàn Quốc. Doanh nghiệp bán dẫn Mỹ chiếm 34% tổng chi phí linh kiện S23 Ultra. Trong khi đó, số linh kiện của Samsung giảm xuống chỉ còn 33%.
Xu hướng nói trên cũng đúng với điện thoại Apple. Một chiếc iPhone 14 Pro Max 128 GB cần 464 USD tiền sản xuất. Trong đó, phần chip xử lý và modem mạng đã chiếm 33%, màn hình 20%. Ngoài ra, chi phí Táo khuyết phải trả cho đối tác sản xuất chip tăng dần đều qua các năm, khi chuyển đổi dây chuyền sang tiến trình nhỏ hơn. Ngoài ra, các chip mạng 5G (sub-6 hoặc mmWave) cũng có giá cao, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng chuỗi cung ứng bán dẫn.
Trả lời Tri thức Trực tuyến, ông Finbarr Moynihan, Phó chủ tịch bộ phận Marketing MediaTek, cho biết ngành smartphone vẫn trong giai đoạn sụt giảm về doanh số, có thể tiếp tục trong nhiều tháng nữa. Tuy nhiên, giá trị trung bình của thiết bị buộc phải tăng lên, bởi sự phổ cập của điện thoại 5G, vốn có mặt bằng giá cao hơn các sản phẩm dùng mạng LTE truyền thống.
Trong sự tăng giá của nhóm linh kiện bán dẫn trên flagship, một xu thế bất thường xuất hiện 2 năm gần đây. Nhiều nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc chọn SoC 5G của MediaTek cho điện thoại cao cấp, thay vì Qualcomm hay Samsung. Theo số liệu được công bố bởi công ty Đài Loan, 20% flagship tại thị trường tỷ dân đang chạy chip Dimensity.