Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu” của Amazon Global Selling Việt Nam, tuy mảng thương mại điện tử (TMĐT) trong nước phát triển nhanh những năm qua, nhưng lĩnh vực xuất khẩu TMĐT còn hạn chế. Amazon Global Selling dự báo doanh thu của mảng này có thể tăng lên 256.100 tỷ đồng (tương đương 11,1 tỷ USD ) trong 5 năm tới.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75.400 tỷ đồng trong năm 2021 và dự kiến thu về 256.100 tỷ đồng vào năm 2026. Báo cáo nhận định, nếu coi “Thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Hiện tại, mảng thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm khoảng 36% tổng doanh thu toàn ngành TMĐT Việt Nam. Amazon Global Selling dự báo tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Mức độ tăng trưởng hàng năm của lĩnh vực bán hàng quốc tế cũng vượt trội thị trường trong nước. Cụ thể, hơn 300 doanh nghiệp tham gia khảo sát dự báo mỗi năm tỷ lệ tăng trưởng TMĐT nước ngoài vào khoảng 42%, gấp gần 4 lần nội địa, ở mức 11%/năm.
Đồng thời, 88% doanh nghiệp cho rằng thương mại điện tử xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối sản phẩm của công ty trong tương lai.
Ngoài ra, dữ liệu từ báo cáo của DPD Group và Ninja Van cho thấy Việt Nam vượt trội về lượng đơn hàng mua trực tuyến với trung bình 104 lần/người/năm. Trong khi đó, con số trung bình của người dùng 6 quốc gia được khảo sát là 66 lần/năm. Cụ thể, người Singapore mua khoảng 52 đơn, Philippines 58 đơn, Thái Lan 75 đơn mỗi năm.
Trong khi đó, Statista thống kê Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực về quy mô thị trường thương mại điện tử, sau Indonesia. Báo cáo về thương mại điện tử 2021 của nền tảng Lazada cho biết quy mô thị trường Việt Nam đạt khoảng 13 tỷ USD . Con số này được dự báo sẽ tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025.
Theo đó, trong nửa đầu 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến mới, với 55% đến từ khu vực thành thị. “Những người mua sắm trực tuyến thuộc nhóm có hiểu biết và kinh nghiệm cao. Độ tuổi trung bình của khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam là 36”, DPD Group cho biết.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mua sắm tại cửa hàng giảm từ 76% năm 2019 xuống 67% vào cuối năm 2021, theo báo cáo của PwC. Trong khi đó, mua hàng qua các nền tảng trực tuyến và điện thoại thông minh tăng từ 55% lên 69%.