Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8, chánh thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 doanh nghiệp đầu mối hơn 13 tỷ đồng.
Trong đó, rút giấy phép bổ sung một tháng với 5 đơn vị gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro).
Theo thông tin của Zing, ngoài Saigon Petro, một số doanh nghiệp khác cũng đã có văn bản khẩn kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ Công Thương về quyết định xử phạt của cơ quan thanh tra.
Ngày 7/9, lãnh đạo một doanh nghiệp bị rút giấy phép cho biết đến thời điểm hiện tại đơn vị vẫn chưa nhận được quyết định xử phạt chính thức từ Bộ Công Thương. "Được biết quyết định đang được gửi đến và phía doanh nghiệp cũng đã có văn bản gửi cơ quan chức năng về quyết định xử phạt này", vị này nói với Zing.
Nguồn cung của hơn 2.500 cây xăng bị ảnh hưởng
Đại diện một số doanh nghiệp phân phối, đại lý bán lẻ cho biết trong bất kỳ thời điểm nào, nếu Saigon Petro và 4 ông lớn khác bị tước giấy phép kinh doanh thì thị trường xăng dầu miền Nam với nguồn cung của hàng nghìn cửa hàng bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Thực tế, trong số 5 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Saigon Petro - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có hệ thống phân phối xăng dầu lớn nhất trải dài từ các tỉnh Nam Trung Bộ đến các tỉnh miền Tây.
Đơn vị này nhập khẩu và cung cấp cho thị trường xăng dầu từ Nam Trung Bộ trở vào với sản lượng hàng năm trên 1 triệu m3 xăng dầu, hiện Saigon Petro chiếm khoảng 10% thị phần này trên toàn quốc.
Hệ thống phân phối của doanh nghiệp có hơn 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu và trên 1.000 đại lý bán lẻ. Một công ty cổ phần do Saigon Petro sở hữu 40% vốn điều lệ có 32 cửa hàng trực thuộc. Saigon Petro có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ; 47 thương nhân phân phối, không có tổng đại lý và đại lý.
Ngoài ra, doanh nghiệp có 2 kho chứa với quy mô 278.000 m3, từ đầu năm đến tháng 8 năm nay, sản lượng tiêu thụ toàn công ty đạt 304.300 m3 xăng dầu các loại
Bên cạnh đó, Saigon Petro sở hữu Nhà máy lọc dầu Cát Lái, nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam với tổng diện tích 25 ha, công suất 350.000 tấn/năm và là đầu mối tiếp nhận, tồn trữ xăng dầu nhập khẩu, phục vụ cho việc kinh doanh xăng dầu của công ty.
Trong khi đó, ông lớn xăng dầu 100% vốn nhà nước khác cũng vừa bị tước giấy phép kinh doanh là Petimex - chiếm tới 60% thị phần tại Đồng Tháp sở hữu trên 1.212 cửa hàng, đại lý thuộc hệ thống trải dài từ tỉnh Khánh Hòa, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 2021, sản lượng tiêu thụ toàn công ty đạt 820.029 m3 xăng dầu các loại.
Doanh nghiệp này cũng sở hữu hệ thống kho chứa xăng dầu đầu mối tại các tỉnh như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ... với tổng sức chứa trên 132.000 m3. Công ty có thành lập công ty cổ phần vận tải xăng dầu đường sông, vận tải biển tuyến quốc tế với tổng trọng tải trên 130.000 tấn.
Năm 2021, công ty này có 30 cửa hàng thuộc sở hữu, 5 đại lý, 4 tổng đại lý, 357 thương nhân nhận quyền bán lẻ. Ngoài ra, 2 công ty con trực thuộc là Công ty CP Nhiên liệu Đồng Tháp và Công ty CP Nhiên liệu Tây Đô có 103 cửa hàng thuộc sở hữu.
Ngoài ra, Petimex cũng có vốn góp 49% với một công ty, công ty này có trên 600 cửa hàng và đại lý. Có 5 kho chứa với tổng sức chứa trên 160.000 m3/tháng và năm 2022, công ty xây dựng mới thêm 2 kho.
Bên cạnh Saigon Petro và Petimex, 3 ông lớn xăng dầu còn lại cũng sở hữu hàng trăm cửa hàng bán lẻ tại thị trường miền Nam. Đơn cử, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa có mạng lưới hơn 50 trạm xăng dầu bán lẻ và hơn 50 đại lý, thương nhân phân phối và hơn 100 cửa hàng xăng dầu trực thuộc. Công ty hoạt động chính tại các thị trường Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Bình Thuận.
Hay Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu có hệ thống kho chứa 5 triệu lít xăng dầu và mạng lưới khách hàng rộng khắp các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM...
Lý do 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép
Tính đến nay đã có 12 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn sau đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối của Bộ Công Thương từ hồi tháng 2. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác sẽ được hoàn trả giấy phép vào ngày 14/9.
"Hiện, thanh tra Bộ đang tổng hợp xây dựng dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo Bộ và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Thanh tra Bộ Công Thương khẳng định việc xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp này được thực hiện theo đúng các quy định đã được nêu rõ tại Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi.
Một số hành vi vi phạm hành chính của các thương nhân đầu mối cụ thể như sau: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu/thương nhân nhượng quyền với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định; thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân; duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định...
Trong đó, thanh tra Bộ Công Thương cho biết 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép vì không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 83 hoặc Khoản 6 Điều 1 Nghị định 95, do đó đã có hành vi "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định" quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2020 sửa đổi.
Khoản 5 Điều 7 Nghị định 83/2014 quy định: Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Mỗi năm, kể từ khi được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu tối thiểu 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Khoản 6 Điều 1 Nghị định 95/2021 quy định: Khoản 3, Khoản, 4, Khoản 5, Khoản 7, Điều 7 của Nghị định 83/2014 được sửa đổi như sau:
"Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000 m3 để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (5) năm trở lên".
"Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên".
"Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".