Dữ liệu theo dõi của Refinitiv cho thấy Nga đã gửi khối lượng kỷ lục dầu đến đến Singapore và Malaysia thông qua đường biển, bao gồm các loại dầu thô, dầu nhiên liệu và dầu chân không VGO, bổ sung vào nguồn cung vốn đang có phần dư thừa tại các quốc gia châu Á.
Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2 vừa qua đã khiến các thùng dầu của Nga phải chuyển hướng đến các khu vực khác, chủ yếu là châu Á. Cụ thể, theo dữ liệu của Refinitiv, các chuyến hàng dầu nhiên liệu và VGO từ các cảng của Nga đến Singapore và Malaysia đã cán mốc 1,1 triệu tấn trong tháng 3 và cập bến cùng thời điểm với các chuyến hàng từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tổng cộng, xuất khẩu dầu nhiên liệu và VGO của Nga có thể ở mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2022 và đạt hơn 4,5 triệu tấn. Nguyên nhân của sự tăng vọt này là do các thương nhân tìm cách loại bỏ khối lượng dư thừa sau khi chậm trễ bốc hàng vào tháng 2 do thời tiết bão.
Trong khi đó, Tiểu Vương quốc Fujairah - với tư cách là một trung tâm thương mại lớn ở UAE cũng đã nhận được một lượng lớn các sản phẩm dầu của Nga, với tổng số có thể lên tới 300.000 tấn trong tháng này.
Cũng theo Refinitiv, số sản phẩm dầu của Nga được vận chuyển đến châu Á thông qua hình thức tàu “ma” hay vận chuyển từ tàu sang tàu (STS). Trong tháng này, số lượng dự kiến sẽ đạt từ 0,8 đến 1 triệu tấn.
Các thương nhân cho biết, một số tàu chở dầu đã chất hàng tại các cảng của Nga chưa có điểm đến cuối cùng, vì vậy tổng lượng dầu thực tế được vận chuyển trong tháng 3 từ Nga đến Singapore và Malaysia có thể cao hơn nhiều so với con số 1 triệu tấn.
Một thương nhân cho biết: “Tôi tin rằng một phần lớn nguồn cung cấp đó sẽ phải lênh đênh trên biển để lưu trữ”.
Theo dữ liệu của Refinitiv, khoảng 350.000-400.000 tấn dầu các loại được bốc từ các cảng của Nga trong tháng 3 có thể sẽ được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nguồn cung cho Ấn Độ đã giảm mạnh xuống dưới 100.000 tấn.
Về phía châu Âu, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) - vị trí trước đây thuộc về Nga. Theo CNN dẫn số liệu từ cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết trong tháng 12 năm ngoái, 18% nhập khẩu dầu thô của EU đến từ Mỹ.
Đây là một bước ngoặt lớn bởi Nga cho tới gần đây vẫn là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của châu Âu, chiếm tới 31% nhập khẩu dầu thô của khu vực này ở thời điểm cuối tháng 1/2022. Khi đó, Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với tỷ trọng đạt 13%.
Về phần mình, Nga cũng tìm được khách mua mới cho những thùng dầu được bán với giá chiết khấu cao. Dầu thô Urals của Nga hiện đang giao dịch với mức giá 54 USD/thùng, rẻ hơn nhiều so với mức giá 78 USD/thùng của dầu Brent tiêu chuẩn. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đặc biệt đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu Nga kể từ khi xung đột giữa 2 quốc gia nổ ra vào đầu năm 2022.
Theo Reuters, Bloomberg