Liên quan đến thông tin hơn 30 người nộp đơn tố cáo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam tư vấn đầu tư gói bảo hiểm "Tâm an đầu tư", trao đổi với Zing chiều 19/4, đại diện Manulife Việt Nam cho biết đơn vị đã ghi nhận tình hình vụ việc.
"Công ty đang xem xét giải quyết các yêu cầu của những khách hàng này một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng", đại diện doanh nghiệp nói và khẳng định không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận và sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng xử lý nếu phát hiện sai phạm.
"Tâm an đầu tư" là sản phẩm gì?
Manulife cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết với công ty.
Về sản phẩm bảo hiểm "Tâm an đầu tư", đây là sản phẩm của Manulife được công ty cung cấp và phân phối bởi Ngân hàng SCB đã được Bộ Tài chính phê duyệt theo công văn 12200/2017.
Sản phẩm Tâm an đầu tư là dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp với đầu tư. Khi tham gia, nhà bảo hiểm quảng cáo khách hàng có nhiều quyền lợi khác nhau bao gồm: Linh hoạt lựa chọn 6 quỹ đầu tư; linh hoạt cân đối giữa nhu cầu đầu tư và bảo vệ; chủ động điều chỉnh danh mục đầu tư thông qua việc mua bán cũng như chuyển đổi quỹ; quyền lợi bảo vệ toàn diện đến tuổi 85 với mức bảo vệ cao và phí bảo hiểm cạnh tranh.
Tuy nhiên, thực tế khoản phí bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ nhiều chi phí, trước khi được phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư như phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro...
Phí ban đầu là chi phí công ty thu để thanh toán các loại chi phí để thẩm định hồ sơ, phát hành hợp đồng và trả hoa hồng cho đại lý. Với phí bảo hiểm cơ bản 100 triệu đồng, năm đầu tiên khách hàng sẽ mất tương ứng 65% và 50% phí bảo hiểm cơ bản trong hai năm đầu và khoản này không được hoàn lại.
Về phí bảo hiểm rủi ro, là chi phí khách hàng phải trả để mua các quyền lợi bảo hiểm. Khoản phí này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sức khỏe, số tiền bảo hiểm... Đáng chú ý, với bảo hiểm liên kết đầu tư, khách hàng chịu toàn bộ rủi ro đầu tư, tùy thuộc vào biến động thị trường và hiệu quả của danh mục.
Hơn 330 khách hàng khiếu nại bị lừa tới hơn 60 tỷ đồng
Theo một danh sách tổng hợp của các khách hàng trong vụ việc này có tới gần 330 người tham gia sản phẩm "Tâm an đầu tư" với tổng số tiền lên tới hơn 60 tỷ đồng.
Phản ánh tới Zing, chị Phạm Lại Thiên Kim, 32 tuổi (quận 10, TP.HCM) cho biết gia đình chị gồm 3 người tham gia sản phẩm "Tâm an đầu tư" được phân phối qua kênh ngân hàng SCB với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Chị cho biết từ tháng 10/2020, chị đến ngân hàng SCB để làm thủ tục gửi tiết kiệm thì được nhân viên Manulife, tư vấn tham gia sản phẩm đầu tư sinh lời với mức lãi suất 15%/năm và có thể đóng thêm tiền vào hoặc giảm số tiền đóng tương tự như gửi tiết kiệm linh hoạt và sau 5 năm sẽ nhận được toàn bộ gốc và lãi 15%, lại có kèm theo quyền lợi bảo hiểm.
Chúng tôi hoàn toàn không được tư vấn về các rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư mà được tư vấn rằng đây là một hình thức đầu tư sinh lời lãi cao là 15%.
Chị Phạm Lại Thiên Kim (quận 10, TP.HCM)
"Chúng tôi hoàn toàn không được tư vấn về các rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư mà được tư vấn rằng đây là một hình thức đầu tư sinh lời lãi cao và giống như gửi tiết kiệm linh hoạt nên chắc chắn sẽ nhận được lãi 15%", chị nói.
Đến ngày 30/12/2022 và 6/1/2023, chị Kim đã gửi email cho ngân hàng SCB và Manulife yêu cầu hủy hợp đồng, hoàn lại 100% tiền đã đóng, thì phía ngân hàng và bảo hiểm không giải đáp chất vấn của khách hàng và phía Manulife đã từ chối hoàn tiền.
Hiện, giấy nộp tiền và tất cả những tin nhắn tư vấn từ nhân viên công ty bảo hiểm và ngân hàng, chị Kim và gia đình vẫn lưu lại.
Tương tự, người thân của chị Kim là bà Trương Thị Bích Ngọc (59 tuổi, TP.HCM) cho biết khi đến gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã bị nhân viên ngân hàng tư vấn mua gói bảo hiểm bảo vệ sức khỏe và có lãi giống như gửi tiết kiệm.
"Do không có trình độ hiểu biết và nghe nhân viên tư vấn đây là sản phẩm giống như gửi tiết kiệm nên tôi đã tin tưởng không đọc hợp đồng và ký tên. Đến nay do không có khả năng đóng tiền tiếp vì số tiền quá lớn nên tôi muốn rút hết tiền nhưng không được ngân hàng và bảo hiểm chấp nhận", bà cho biết.
Chưa hết, theo bà Ngọc, phía công ty bảo hiểm đã tự động khấu trừ 11,7 triệu đồng từ tài khoản đầu tư để duy trì hợp đồng trong khi tranh chấp hợp đồng vẫn đang diễn ra. "Đến tháng 11/2022 tôi mới nhận được thư từ chối khiếu nại của Manulife. Theo lý, hợp đồng đang tranh chấp phải được đóng băng và Manulife không được phép tự ý trừ tiền khi chưa có sự đồng ý của tôi", bà nói.
Thực tế, gia đình chị Kim là một trong hàng loạt khách hàng của SCB đang làm đơn khiếu nại vì gửi tiền tiết kiệm biến thành bảo hiểm đầu tư. Trong đó, rất nhiều khách hàng là người cao tuổi cũng thừa nhận mình không được tư vấn trung thực và đầy đủ từ đầu và trình độ hiểu biết hạn chế nên tin tưởng hoàn toàn vào người tư vấn.