Mặc mọi chỉ trích xoay quanh Meta, Mark Zuckerberg vẫn cố chấp biến đây trở thành một “công ty siêu ngược”. Sự phản đối của các tỷ phú công nghệ khác cũng không lớn bằng tham vọng và sự nghiêm túc Zuckerberg dành cho vũ trụ ảo.
Theo ông Zhao, một giáo sư đến từ Đại học Chicago, metaverse không có nhiều tiềm năng để phát triển. “Câu hỏi thực sự là liệu người dùng đã sẵn sàng cho metaverse chưa? Liệu công nghệ cơ bản đã sẵn sàng và đủ trưởng thành để làm cho quá trình chuyển đổi đó diễn ra liền mạch chưa?”, giáo sư Zhao nhận định.
Tuy nhiên, ngay cả khi bỏ ngoài tai phần đông dư luận, CEO Meta vẫn nên đánh giá lại ưu tiên của mình trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 Mỹ sắp tới. Việc cần làm lúc này là quay trở lại với Facebook, siết nội dung đăng tải và giám sát chặt hơn quá trình lan truyền tin tức, làm sao để cuộc bầu cử “sạch” nhất có thể.
Theo Bloomberg, dự án metaverse hiện còn trong giai đoạn sơ khai. Trong khi Facebook có khoảng 3 tỷ người dùng đang hoạt động thì Horizon Worlds, nền tảng VR trải nghiệm metaverse chỉ vỏn vẹn 200.000, theo tài liệu nội bộ được Wall Street Journal tiết lộ.
Mark Zuckerberg sẽ không thể đặt mọi sự quan tâm vào mạng xã hội Facebook, vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất của chính trị Mỹ.
Trước đó, Zuckerberg từng thẳng thắn thừa nhận quá trình xây dựng metaverse của Meta sẽ mất khá nhiều thời gian, ít nhất là 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc Mark Zuckerberg sẽ không thể đặt mọi sự quan tâm vào mạng xã hội Facebook, vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất của chính trị Mỹ.
Kỳ lạ, cho đến nay, Zuckerberg chưa có dấu hiệu chuyển trọng tâm. Theo New York Times, nhóm theo dõi bầu cử cốt lõi của Facebook hiện không còn hoạt động năng suất như hồi năm 2020 - thời điểm CEO Meta coi bầu cử Mỹ là ưu tiên hàng đầu. Kiểm soát đối với các giám đốc điều hành chủ chốt được giao nhiệm vụ xử lý thông tin sai lệch giờ cũng đang được nới lỏng.
Trước đó, hồi năm 2020, Facebook thậm chí còn dự phòng nhiều kế hoạch khẩn cấp để chặn nội dung nếu xảy ra trường hợp bất ổn xã hội sau bầu cử. Cựu phó Thủ tướng Anh Nick Clegg phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook khi đó cho biết nền tảng này sẽ có những biện pháp đặc biệt để hạn chế lan truyền nội dung trong kịch bản xấu nhất. Kế hoạch cụ thể không được tiết lộ, song theo ông Clegg, trong thời kỳ bất ổn trước đây ở Myanmar hay Sri Lanka, Facebook đều triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc giảm khả năng tiếp cận của những nội dung được đối tượng vi phạm quy tắc chia sẻ nhiều lần.
Mặc mọi chỉ trích xoay quanh Meta, Mark Zuckerberg vẫn cố chấp biến đây trở thành một “công ty siêu ngược”.
“Khi việc kiểm phiếu diễn ra, chúng tôi nhận được nhiều tuyên bố không chính xác liên quan đến cuộc bầu cử. Facebook sẽ có biện pháp tạm thời để ngăn chặn vấn đề này”, đại diện Facebook khi đó cho biết.
Theo các chuyên gia về phương tiện truyền thông xã hội, hiện có rất ít bằng chứng cho thấy Facebook có thể ngăn chặn thông tin sai lệch tốt hơn hồi năm 2020. Melanie Smith, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thông tin sai lệch tại Viện Đối thoại Chiến lược tại London, cho biết Meta đã không cải thiện khả năng truy cập dữ liệu cho các nhà nghiên cứu - những người vốn đang cố gắng ước lượng mức độ lan truyền của các bài đăng gây hiểu lầm. Thậm chí, mạng xã hội Facebook còn xuất hiện nhóm những người theo dõi ngày bầu cử với thái độ thù địch. Smith cho biết, các bài đăng như vậy thường có xu hướng lan truyền rất nhanh.
Theo các nhà nghiên cứu, các chính trị gia đôi khi lại là những người phổ biến nhiều thông tin sai lệch, đặc biệt tại các nước châu Á. Chính vì vậy, Mark Zuckerberg cần xem xét việc thay đổi chính sách, đồng thời kiểm duyệt kỹ càng hơn nội dung đăng tải từ chính trị gia và các cử tri, tương tự như cách Meta áp dụng với người dùng bình thường. Nhiều người cho rằng chính sách hiện tại của Meta đang cho phép các nội dung sai lệch bị phát tán.
CEO Meta nên đánh giá lại ưu tiên của mình trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 Mỹ sắp tới.
Trước đó, Meta cho biết sẽ xử lý nội dung đăng tải bằng việc gán nhãn cảnh báo. Tuy nhiên, phương thức này không thực sự hiệu quả. Đối với hơn 70% bài đăng, những nhãn dán này chỉ có thể được áp dụng sau 2 ngày bài đăng đăng tải. Kẽ hở này chính là cơ hội để thông tin sai lệch lan truyền trước khi chúng được dán nhãn cảnh báo, theo Integrity Institute - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận. Integrity Institute cũng chỉ ra rằng thông tin sai lệch chiếm tới 90% tổng lượt tương tác trên phương tiện truyền thông xã hội trong chưa đầy 1 ngày.
Ngoài ra, việc Facebook ngày càng chú trọng video có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ. Tháng 9/2022, thông tin sai lệch chia sẻ qua video xuất hiện thường xuyên hơn nhiều so với các bài đăng thông thường, theo một nghiên cứu mới đây được Bloomberg trích dẫn. Những nội dung sai lệch đó cũng hút nhiều tương tác hơn và có xu hướng được ưu tiên hiển thị.
“Trên mạng xã hội hiện nay, người dùng có xu hướng bị ngó lơ khi các giao thức an toàn trở nên tồi tệ. Chúng ta cần sự minh bạch thực sự để xây dựng một hệ thống trách nhiệm và bền vững hơn”, Sahar Massachi, đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Integrity Institute cho biết.
Nhóm theo dõi bầu cử cốt lõi của Facebook hiện không còn hoạt động năng suất như hồi năm 2020.
Trước đó hồi tháng 4, tờ The Verge cho biết các bài đăng chứa thông tin sai lệch, bạo lực và nội dung gây khó chịu đang gia tăng trên nền tảng Facebook do một lỗi trong thuật toán sắp xếp thứ hạng tin tức. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng vì mạng xã hội này lại không thể kiểm soát sức mạnh do chính mình tạo ra.
Được biết, lỗi kể trên đã tồn tại 6 tháng trước khi các nhân viên của Facebook khắc phục được sự cố. Rất nhiều bài đăng phản cảm đã lọt vào bảng tin của người dùng. Đáng nói, những nội dung như vậy xuất hiện ngày một nhiều và tăng tới 30% trên toàn cầu.