Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố doanh thu thuần quý III với mức hơn 19.500 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ do không còn mảng thức ăn chăn nuôi. Nếu loại trừ tác động này thì doanh thu của tập đoàn chỉ giảm nhẹ 2%.
Điểm sáng là cấu trúc giá vốn cũng hạ thấp giúp cho biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh mẽ từ 25,8% cùng kỳ lên 27,8%, tức lãi gộp đạt 5.424 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động vẫn ở mức cao khiến EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) sụt giảm 22% về mức 3.486 tỷ đồng. Cộng thêm chi phí tài chính lớn đẩy lãi ròng còn 543 tỷ đồng, giảm phân nửa so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong 6 quý.
Tuy nhiên tính lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tập đoàn vẫn tăng gần 5% lên trên 55.500 tỷ đồng (đã loại trừ mảng thức ăn chăn nuôi). Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 3.120 tỷ đồng, tăng đến 47% so với cùng kỳ.
Đối với mảng bán lẻ, tập đoàn này đã thực hiện chuyển đổi 30 cửa hàng WinMart+ thành các cửa hàng WIN tích hợp. Mô hình mới đã gia tăng xấp xỉ 20% doanh thu/m2 trong giai đoạn thí điểm, chủ yếu do lưu lượng khách hàng tăng lên. Kế hoạch tiếp theo là mở 80-120 cửa hàng WIN vào cuối năm.
Masan cũng đưa ra chương trình khách hàng thân thiết với 300.000 người đăng ký tham gia sau 1,5 tháng. Các hội viên WIN đã đóng góp gần 60% doanh thu của các cửa hàng WIN và mức độ chi tiêu cũng cao hơn 2,3 lần so với khách hàng chưa đăng ký.
Tập đoàn này đã mở 477 cửa hàng WinMart+ kể từ đầu năm và nâng tổng số lượng lên 3.049 điểm bán. Như vậy, tính riêng về điểm bán, WinMart+ đã tăng thị phần từ 40% cuối năm 2021 lên 48% vào cuối quý III, đang dẫn đầu về chuỗi siêu thị nhỏ/cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.
Đối với Phúc Long, chuỗi thức uống này ghi nhận doanh thu 1.143 tỷ đồng doanh thu và 199 tỷ đồng lợi nhuận EBITDA, trong đó các cửa hàng dạng flagship đóng góp chủ lực. Tập đoàn có kế hoạch đẩy mạnh Phúc Long vào các cửa hàng WIN và mở rộng hệ thống flagship.
Một điểm đáng chú ý khác là Masan đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD từ gần 40 tổ chức tài chính. Thỏa thuận 5 năm này sẽ tái tài trợ cho một phần các khoản nợ tồn đọng với lãi suất cạnh tranh là 6,5%, qua đó giảm áp lực tài chính cho tập đoàn.
Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đánh giá lại dự báo về kết quả năm 2022 với doanh thu dự kiến chỉ 75.000-80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800-5.500 tỷ đồng.
Mức ước tính này thấp hơn so với mục tiêu đề ra vào đầu năm nay do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Dù vậy, con số trên vẫn đạt mức tăng trưởng khi chuẩn hóa so với mức nền cao của năm 2021.
Tập đoàn có kế hoạch mở mới hơn 300 cửa hàng thuộc Wincommerce trong quý cuối năm, khai trương 50-70 cửa hàng WIN và mở rộng chương trình hội viên, ra mắt 23 sản phẩm nhãn hàng riêng.
Chuỗi Phúc Long sẽ khai trương 30 cửa hàng flagship, xây dựng hệ thống nền tảng và tối ưu mô hình ki-ốt cho việc mở rộng nhanh quy mô trong năm 2023.