Thị trường bán lẻ dược phẩm được ước tính có quy mô khoảng 7 - 8 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng 2 con số trong các năm tới. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay các nhà thuốc bệnh viện và còn lại là nhà thuốc bên ngoài với khoảng 60.000 cửa hàng.
Trong đó, kênh bán hàng hiện đại có chưa đến 3.000 cửa hàng, tức chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ 5-7%. Với tiềm năng rộng mở, nhiều tập đoàn lớn đã không giấu giếm tham vọng nhập cuộc như Pharmacity, Long Châu, An Khang và gần đây là các động thái của Masan Group.
Vào cuối tháng 3, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Winphar được thành lập tại tòa nhà MPlaza (TP.HCM). Công ty có vốn điều lệ 10 triệu đồng với cổ đông lớn nhất là WinCommerce nắm giữ 80% vốn, còn lại bà Đỗ Thị Hoàng Yến và ông Trần Phương Bắc đều sở hữu 10% cổ phần.
WinCommerce hiện là công ty quản lý chuỗi bán lẻ lớn nhất WinMart/WinMart+ trên toàn quốc, trực thuộc Tập đoàn Masan và có trụ sở tại MPlaza. Trong khi bà Yến và ông Bắc đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong tập đoàn này.
Đến ngày 1/7, Công ty Winphar tiến hành đổi tên thành Công ty Cổ phần Dr. Win và đồng thời nâng vốn điều lệ lên 28,57 tỷ đồng.
Trên một kênh tuyển dụng nhân sự ngành dược lớn nhất đã xuất hiện công ty Dr. Win đăng tin tuyển dụng nhân sự tại khu vực Hà Nội, trong đó mức thu nhập 10-12 triệu đồng cho dược sĩ trưởng và 6-8 triệu đồng cho dược sĩ bán hàng.
Trong khi một số cửa hàng WinMart cũng đang trong quá trình thay đổi giao diện và nâng cấp cơ sở vật chất. Biển hiệu bên ngoài cửa hàng thể hiện sẽ tích hợp với Techcombank, Reddi và có cả Dr. Win.
Hiện tại vẫn chưa rõ định hướng của Masan Group với động thái mới này bởi trước đó họ cũng từng có hợp tác với chuỗi dược phẩm Phano. Thông tin về Dr. Win cũng khá trầm lặng, khác hẳn với sự rầm rộ trong hoạt động quảng bá nhà thuốc mới.
Thực tế cuối năm 2021, Masan Group đã ra mắt một số cửa hàng mới theo mô hình CVLife đa trải nghiệm; trong đó tích hợp WinMart, Techcombank, Phúc Long và cả Phano Pharmacy. Điều này gây tò mò về việc gia nhập thị trường dược phẩm tỷ USD của Masan.
Phano có mặt từ năm 2007 và cũng từng thuộc top đầu ngành với 70 nhà thuốc vào cuối năm 2020. Trùng hợp khi website của Phano Pharmacy lại đang tạm đóng.
Trong trường hợp Masan muốn phát triển chuỗi nhà thuốc thì kênh bán lẻ hiện đại này sẽ quy tụ những cái tên rất lớn và cạnh tranh sẽ nóng dần. Hiện Pharmacity là chuỗi lớn nhất với 1.128 cửa hàng, Long Châu (thuộc FPT Retail) có hơn 706 điểm bán và An Khang (thuộc Thế Giới Di Động) là 520 tính đến sáng ngày 23/7.