Theo Asia Nikkei, mọi người thường nói đùa rằng Masan Group chỉ là một công ty sản xuất nước mắm.
Tuy nhiên, trên thực tế, tập đoàn của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang hiện có tới 84 công ty con và công ty liên kết, trải dài mọi lĩnh vực từ khai thác mỏ đến ngân hàng. Nhờ lợi thế đa ngành nghề, Masan đã thu hút được vốn đầu tư từ Alibaba của Trung Quốc và SK của Hàn Quốc trong khi đẩy mạnh vào công nghệ mới, bao gồm cả thương mại điện tử.
Và để vững mạnh được như ngày hôm nay, tập đoàn có tuổi đời một phần tư thế kỷ này đã phải tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian để tìm ra định hướng phát triển: Trở thành một "tập đoàn vạn năng" kinh doanh mọi thứ.
Tập trung vào công nghệ
Mới đây, Masan đã hợp tác với Alibaba để phát triển hình thức kinh doanh trực tuyến kết hợp ngoại tuyến. Theo đó, người mua hàng có thể đặt hàng trên Lazada và nhận hàng tại WinMart khi sử dụng dịch vụ. Đây chính là nền móng khiến nhiều nhà đầu tư hy vọng Masan có thể trở thành "Amazon Việt Nam".
Tuy nhiên, doanh số ở mảng thương mại điện tử (mảng trực tuyến) của Masan lại không có gì nổi trội. Chính vì vậy, tập đoàn này đang chuyển dời tiềm lực của mình sang phát triển các cửa hàng ngoại tuyến.
Ông Danny Le - CEO của Masan cho biết: "Alibaba sử dụng các giải pháp trực tuyến còn chúng tôi muốn sử dụng các giải pháp ngoại tuyến". Theo ông, Masan sắp tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên các cửa hàng trực tiếp như WinMart và WinMart+, nhất là ứng dụng học máy (machine learning).
Bước đầu thực hiện chiến lược, Masan đã đầu tư vào một công ty khởi nghiệp có công nghệ máy học, với vai trò tối ưu hóa hàng tồn kho hoặc nhắm mục tiêu giảm giá cho một khách hàng cụ thể.
Ngoài ra, Masan năm ngoái đã huy động được 1,1 tỉ USD từ các nhà đầu tư như Alibaba, TPG, SK và các quỹ có chủ quyền của Abu Dhabi và Singapore để có thể đẩy mạnh phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, ông Danny Le cũng cho rằng cốt lõi thành công vẫn nằm ở chiến lược kinh doanh. "Tại Masan, chúng tôi không tin rằng 'công nghệ' là một mô hình kinh doanh, công nghệ chỉ là công cụ tốt nhất để phát triển kinh doanh", ông nhấn mạnh.
Với ông, thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc không chỉ có mua và bán. Tầm hoạt động của thị trường này còn vươn xa hơn bằng cách "trao quyền" cho các thương gia bên thứ ba, những người sử dụng các giải pháp trực tuyến của Alibaba để tìm nguồn hàng, vận chuyển hoặc xử lý thanh toán cho hàng hóa.
Chính vì vậy, Masan đặt mục tiêu hoạt động như một nền tảng tương tự, nhưng theo hình thức ngoại tuyến (offline).
Mở rộng phạm vi hoạt động
Theo báo cáo thường niên của Masan, để đạt được mục tiêu lâu dài trên, trước tiên tập đoàn sẽ cố gắng nâng cao hiệu quả trong khâu hậu cần cho các cửa hàng WinMart. Đồng thời Masan cũng sẽ tích hợp dự báo nhu cầu để rút gọn thời gian và công sức vận chuyển các sản phẩm đến các cửa hàng.
Ngoài ra, Masan còn có dự định chuyển giao các giải pháp hậu cần cho 300.000 cửa hàng đang mua mì, gà và nước tăng lực của họ.
Tuy nhiên, việc rót vốn mở rộng phạm vi kinh doanh có thể khiến Masan rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, tập đoàn này ghi nhận khoản lãi sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty trên báo cáo tài chính hợp nhất lên tới 2.500 tỉ đồng . Tuy vậy, trong báo cáo tài chính riêng lẻ (thể hiện tình hình tài chính, kinh doanh của riêng công ty mẹ), Masan lại báo lỗ sau thuế lên tới gần 1.100 tỉ đồng .
“Có thể họ đang mở rộng quá mức”, giảng viên tài chính Kok Seng Kiong của Đại học RMIT Việt Nam nhận định. "Nhưng Masan có đủ khả năng, bởi tập đoàn này còn có các lĩnh vực khác đang tạo ra lợi nhuận".
Ông Kok Seng Kiong cũng cho biết trên thế giới đã có nhiều hình mẫu thành công khi chuyển sang kinh doanh đa ngành: Microsoft mua lại Xbox và LinkedIn; Toshiba đã đưa tên tuổi của mình vào máy tính xách tay và nồi cơm điện.
Gợi ý về việc mở rộng hoạt động của Masan, ông Nguyễn Tiến Đức - nhà phân tích cấp cao của Mirae Asset - đã đưa ra ý kiến thâm nhập vào hai lĩnh vực giải trí và giáo dục thông qua các ứng dụng trên smartphone.
Tuy nhiên, chiến lược trong lĩnh vực kỹ thuật số khác xa so với kiểu kinh doanh sản xuất truyền thống. Nó sẽ liên quan đến việc thuyết phục hàng triệu người sử dụng ứng dụng để xem nội dung, học bài, trả tiền mua hàng tạp hóa hoặc đặt hàng.
Đẩy mạnh chất lượng sản phẩm lõi
Vì kinh doanh thương mại điện tử có nhiều khác biệt, ông Đức cho rằng Masan trước mắt nên tập trung tối ưu hóa sức mạnh cốt lõi của mình trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
"Nếu muốn tham gia vào một lĩnh vực kinh doanh mới, bạn phải bỏ ra rất nhiều tiền và cần rất nhiều thời gian để hoạt động kinh doanh đó có lãi", vì thế, Masan cần tập trung vào chất lượng sản phẩm để tạo dựng một nền móng vững chắc.
Một vấn đề khác nữa là Masan thường phải chi nhiều tiền cho quảng cáo và khuyến mãi trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chính vì vậy, tập đoàn này càng cần nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể giữ chân khách hàng.
Ngoài ra, về vấn đề quy mô hoạt động trải rộng của Masan sẽ khiến nhà nước khó chống độc quyền, ông Đức cho rằng các siêu thị WinMart vẫn phải cạnh tranh với các chợ truyền thống, nơi mà người dân thường xuyên ghé qua.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà đầu tư đang nghi ngại về việc quy mô của Masan chưa đủ khả năng để kết hợp nhiều mảng kinh doanh cùng một lúc như vậy.
"Một số nhà đầu tư nước ngoài sẽ nghi vấn rằng liệu các doanh nghiệp tiêu dùng và doanh nghiệp khai thác có kết hợp được không, và có thể họ muốn tách biệt hai bên một cách rõ ràng", ông Nick Ainsworth, Giám đốc tiếp thị của Dragon Capital chia sẻ.
Ngoài ra, ông Ainsworth cũng không cho rằng niêm yết ở nước ngoài là một lựa chọn tốt để Masan huy động vốn vì thương hiệu của họ ít được biết đến.
Gần đây, Masan cũng đang phải đối mặt với các đối thủ ngoại như Central Group của Thái Lan, tập đoàn này đã phân bổ 30 tỉ baht ( 848 triệu USD ) để mở rộng các cửa hàng tạp hóa, điện tử và thể thao tại Việt Nam.