Hãng sản xuất máy bay chở khác Trung Quốc - Commercial Aircraft Corporation of China (Comac), đã nhận được đơn đặt hàng từ 7 công ty cho thuê với 300 chiếc máy bay C919 thân hẹp. Đơn đặt hàng đến chỉ hơn 1 tháng sau khi dòng máy bay “Made in China” này nhận được chứng nhận bay.
Công ty này đã đưa ra thông báo tại sự kiện triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc - Triển lãm Quốc tế Hàng không Trung Quốc, ở Chu Hải ngày 8/11. Ngoài ra, Comac cũng cho biết thêm họ nhận được đơn đặt hàng cho 30 ARJ21 - loại máy bay chở khách chỉ có 90 chỗ dành cho các chặng bay ngắn.
C919 là máy bay được sản xuất nhằm cạnh tranh với Boeing 737 và A320 của Airbus. Mẫu máy bay thân hẹp này có sức chứa đến 174 hành khách, với tầm bay hơn 5.500km. Hiện tại, C919 đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện bay từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc vào tháng 9, sau 14 năm phát triển.
Song, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc phê duyệt C919. Thông thường, FAA sẽ xem xét thiết kế máy bay sản xuất tại quốc gia khác để chứng nhận cho nó được bay ở Mỹ. Tuy nhiên, không rõ trường hợp của C919 sẽ thế nào khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington vẫn leo thang. Do đó, C919 vẫn chưa được xuất khẩu sang thị trường khác.
Comac cho biết, họ có kế hoạch giao chiếc C919 chở khách đầu tiên cho China Eastern Airlines vào cuối năm nay. Hãng hàng không có trụ sở tại Thượng Hải này đã đặt hàng 4 chiếc từ hồi tháng 5, với mức giá là 99 triệu USD/chiếc. Trong khi đó, theo Axon Aviation - hãng bán, cho thuê và thu mua máy bay thương mại, tư nhân trên toàn thế giới, giá một chiếc Airbus A320 neo hiện là khoảng 110 triệu USD.
Yang Yang - phó tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Comac, phát biểu rằng công ty sẽ lên kế hoạch về năng lực sản xuất cho dòng máy bay C919 sau khi “thoả thuận đầy đủ với các hãng hàng không.”
Ở sự kiện ngày 8/11, C919 - chiếc máy bay phản lực chở khách thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc, đã cất cách và bay trên bầu trời. Tham dự sự kiện cũng có sự xuất hiện của các máy bay quân sự J-20 và tàu bay chở dầu YU-20. C919 đã bay vòng qua bầu trời đầy mây trên thành phố Chu Hải, sau đó hạ cánh trước sự chứng kiến của hàng trăm người tham dự.
Dù kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn để hồi phục sau đại dịch, nhưng vào tháng 7, một số hãng hàng không quốc doanh bao gồm Air China và China Southern Airlines đã đặt hàng số lượng lớn với gần 300 máy bay từ Airbus. Đây được coi là đòn giáng mạnh với Boeing - hãng sản xuất vốn chưa thể tăng doanh số kể từ năm 2018.
Với C919, Trung Quốc đặt kỳ vọng lớn vào chiếc máy bay phản lực chở khách “của nhà trồng được” sẽ giúp họ giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, trong bối cảnh mối quan hệ với các nước phương Tây xấu đi. Tuy nhiên, hầu hết các bộ phận được sử dụng để sản xuất C919 lại được nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, bao gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều kiện, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh.
Hàng không là một trong những ngành công nghệ hiện đại sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn. Một số công ty con của Aviation Industry Corporation of China - một cổ đông của Comac, đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến quân sự.
Ngành hàng không của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều quy định hạn chế về xuất khẩu hơn từ Mỹ, khi Washington quan ngại về chiếc lược kết hợp quân sự - dân sự của nước này, nhằm hiện đại hoá lực lượng quốc phòng bằng cách tích hợp nghiên cứu dân sự và thương mại với các bên quân sự. Đây là một chiến lược trọng tâm trong tầm nhìn lâu dài của Chủ tịch Tập Cận Bình về an ninh và phát triển dài hạn.