“Cách đây vài năm tôi lựa chọn mua iPhone xách tay, nhưng từ 2020 tôi chuyển sang mua hàng chính hãng”, anh Thanh Bình, chủ một cửa hàng bán quần áo tại TP.HCM, chia sẻ.
Giai đoạn trước năm 2020, người dùng Việt mua iPhone xách tay như anh Bình hay kỳ công hơn là sang các thị trường nước ngoài để xếp hàng mua máy không phải là chuyện hiếm gặp.
Một thời “làm mưa làm gió”
Khi đó iPhone xách tay là dòng sản phẩm phổ biến tại thị trường Việt Nam. Mỗi khi Apple ra mắt sản phẩm mới, dân buôn iPhone sẽ bay sang các nước có Apple Store như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… để xách hàng về bán lại cho người dùng trong nước.
Không chỉ riêng dân buôn săn hàng, mà vào thời điểm đó, không ít người dùng Việt Nam lựa chọn máy xách tay vì thời gian chờ đợi ngắn hơn 2-3 tháng so với thời điểm hàng chính hãng ra mắt.
Thông thường, chỉ cần Apple mở bán iPhone thì ngay trong ngày hôm đó hoặc muộn hơn 1-2 ngày, người dùng Việt đã có thể trên tay các dòng máy mới thông qua các cửa hàng kinh doanh máy xách tay.
Mức giá của các mẫu iPhone về sớm khi đó không hề rẻ. Những chiếc iPhone đầu tiên về Việt Nam sẽ có mức giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá bán iPhone chính hãng nhưng vẫn luôn cháy hàng trong những ngày đầu.
Thị trường iPhone xách tay Việt Nam thời điểm đó sôi động với các mẫu máy phổ biến như J/A (Nhật Bản), LL/A (Mỹ), ZP/A (Hong Kong, Trung Quốc). Sau khi qua đợt mở bán, các dòng iPhone xách tay vẫn luôn hút người dùng so với hàng chính hãng bởi mức giá rẻ.
Có những thời điểm iPhone xách tay được đăng bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người dùng lẻ và dân buôn đổ đi nước ngoài xách iPhone về bán để thu lợi nhuận.
“Hồi còn là du học sinh Nhật, mỗi lần về nước mình lại nhận xách tay các dòng iPhone để kiếm thêm, cũng được một khoản kha khá bù tiền vé máy bay”, anh Nhật Đức, hiện làm việc tại Nhật Bản, cho biết.
Khác với anh Đức, những thương gia chuyên xách tay iPhone lại xem việc đi xếp hàng để mua iPhone ngay ngày đầu mở bán là một chuyến du lịch ra tiền.
“Mỗi năm iPhone ra mắt mình đều nhận xách tay về. Chi phí của chuyến đi này cũng tùy vào mỗi người, mỗi máy xách tay thì sẽ lãi được tầm 5-6 triệu đồng”, anh Trung Hải, một người đã có hơn 5 năm kinh nghiệm xách tay iPhone về bán tại Việt Nam, chia sẻ.
“Cửa hàng tôi ngày trước mỗi ngày bán ít nhất cũng hơn 20 chiếc iPhone xách tay các loại, thu về cả trăm triệu đồng”, chị Hiền Nguyễn, chủ một cửa hàng iPhone xách tay tại Cầu Giấy, chia sẻ.
Mất dần chỗ đứng
Theo thống kê từ các hệ thống bán lẻ, lượng iPhone xách tay về nước kể từ năm 2020 đến nay giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ bằng 10% so với những năm trước đó.
Trước đó, lượng iPhone xách tay bán ra theo thống kê của những chuỗi này luôn đạt tỉ lệ 1:1 so với hàng chính hãng. Tuy nhiên từ thời điểm iPhone 13 series ra mắt, thị trường máy xách tay được dân buôn ghi nhận là “rất ảm đạm”, hàng về nhỏ giọt.
Thậm chí, giá bán iPhone 13 series xách tay còn liên tục tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng, vượt qua cả mức giá đại lý chính hãng nhận đặt trước.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hành của Apple tại Việt Nam cũng góp phần vào sự suy tàn của thị trường iPhone xách tay. Tất cả sản phẩm chính hãng mở bán từ tháng 10/2021 trở đi tại Việt Nam khi bảo hành đều phải cung cấp hóa đơn VAT.
Hãng cũng sẽ kiểm tra hoá đơn từng máy một. Thậm chí, với nhiều trường hợp bảo hành người dùng cần cung cấp cả giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu để xác thực thông tin.
Vì vậy, nếu chọn mua sản phẩm Apple từ các thương gia bán lẻ hoặc hàng xách tay, người dùng có thể sẽ không nhận được hóa đơn VAT. Việc này dẫn đến khả năng cao người dùng sẽ không nhận được chế độ bảo hành chính hãng của Apple.
Không chỉ vậy, trước đó Nghị định 98 có hiệu lực vào tháng 10/2020 cũng khiến thị trường iPhone xách tay gặp khó khăn.
Theo quy định mới, các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu phải chịu mức phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng tuỳ theo giá trị của từng loại hàng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt có thể tăng gấp đôi.
Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo hoặc hoá đơn chứng từ không hợp pháp cũng nằm trong diện bị xử phạt. Theo chia sẻ của một chủ cửa hàng iPhone xách tay tại Hà Nội, từ ngày Nghị định 98 có hiệu lực, cửa hàng này không còn dám công khai bán iPhone xách tay. Máy thay vì đem bày thì phải để ở kho riêng.
iPhone chính hãng chiếm ưu thế
Cũng kể từ năm 2020, thị trường Việt Nam tiếp nhận thêm nhiều đại lý Apple Authorised Reseller (AAR) mới, tiền thân là những chuỗi cửa hàng xách tay như ShopDunk, Di Động Việt, Minh Tuấn Mobile.
Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng mono đạt tiêu chuẩn khắt khe của “Táo khuyết” như TopZone (được phát triển bởi Thế Giới Di Động), Fstudio (FPT Shop) hay ShopDunk cũng xuất hiện để phục vụ nhu cầu của người dùng trong nước.
“Hiện tại, Apple xếp thị trường Việt Nam ở level 3, trong khi Singapore ở level 1. Vì thế, các sản phẩm Apple thường mở bán sau và nguồn hàng không được ưu tiên. Tôi nghĩ rằng sự đầu tư nghiêm túc vào chuỗi TopZone sẽ góp phần giúp thị trường Việt Nam thăng hạng. Tôi cũng hy vọng Việt Nam sớm mở Apple Store”, ông Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, chia sẻ với báo chí.
“Vào lúc iPhone 12 series được bán ra, người dùng phải đợi đến 26/11/2020 để mua máy chính hãng. Trong khi đó, iPhone 13 series được mở bán sau thị trường quốc tế đúng một tháng”, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện hệ thống ShopDunk, cho biết.
Theo anh Phùng Đông, chủ một cửa hàng iPhone xách tay tại Hà Nội, ngày trước mức giá iPhone xách tay rẻ hơn hàng chính hãng 4-5 triệu đồng, hiện tại mức giá chênh lệch chỉ còn dưới 1 triệu đồng nên người dùng trong nước cũng không còn quá mặn mà.
“Sức mua các mẫu iPhone xách tay bây giờ cũng giảm mạnh, đa phần người dùng sẽ chọn mua chính hãng để nhận được ưu đãi và bảo hành tốt hơn. Cửa hàng của tôi giờ cũng bán cả sản phẩm VN/A để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, anh này nhận định thêm.
Chia sẻ với Zing, một đại diện giấu tên của chuỗi cửa hàng AAR, tiền thân từng bán hàng bán iPhone xách tay cho biết nguồn hàng không chính ngạch trên thị trường Việt Nam trước nay khá đa dạng.
Hàng xách tay thường tới từ các nước như Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nga… với đủ chủng loại từ hàng mới nguyên niêm phong (seal), hàng hộp bóc làm lại seal, kích hoạt online tới các mẫu tân trang và kể cả hàng lock. Đặc biệt, giá dòng máy xách tay có thể biến động cả chục triệu đồng chỉ trong một ngày.
Điểm hạn chế khi bán ra loại hàng này chính là việc chất lượng máy không được kiểm soát. Lượng lớn mẫu iPhone xách tay được bán ở dạng không có hoá đơn gốc từ Apple nên cửa hàng sẽ là bên phải chịu trách nhiệm bảo hành khi có sự cố.
“Khi đã trở thành AAR hoặc APR (Apple Premium Reseller) các cửa hàng luôn nằm trong quy hoạch hàng hoá, lượng hàng được phân bổ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hoá đều được nâng cao, đảm bảo tiêu chuẩn và bảo hành từ Apple”, vị này chia sẻ thêm.