Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) mới công bố cho biết nhà băng này vừa có thêm một quý kinh doanh tăng trưởng cao với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục.
Cụ thể, trong quý II năm nay, nhờ đà tăng mạnh ở chỉ tiêu dư nợ cho vay khách hàng, MBBank đã thu về gần 9.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh ngoài tín dụng như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư… biến động trái chiều, đà tăng của thu nhập lãi thuần kể trên chính là động lực chính giúp tổng thu nhập hoạt động của MBBank tăng 26%, đạt trên 11.200 tỷ đồng.
Cũng trong quý vừa qua, dù chi phí hoạt động của ngân hàng này tăng hơn 25% nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm tới 43%, nhờ đó giúp MBBank tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng tiền phí.
Kết quả, nhà băng có trụ sở tại Hà Nội này thu về 5.987 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng quý II, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà MBBank ghi nhận được trong một quý kinh doanh. Kỷ lục trước đó nhà băng này ghi nhận được là gần 5.910 tỷ đồng trong quý I liền trước.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, MBBank báo lãi ròng 4.623 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã ghi nhận gần 22.855 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 26% so với kỳ bán niên năm 2021. Tương tự quý II, nhờ tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ bán niên, mà lãi trước thuế của MBBank đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt 11.896 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức tăng tương ứng, đạt 9.520 tỷ.
Các mức doanh thu và lợi nhuận kể trên cũng là con số cao nhất mà MBBank từng ghi nhận được trong lịch sử hoạt động.
Năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23%, tương đương mức 20.328 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm tài chính, ngân hàng đã hoàn thành gần 59% kế hoạch.
Với lãi trước thuế xấp xỉ 12.000 tỷ kể trên, MBBank cũng đang là ngân hàng có lợi nhuận bán niên cao thứ 4 hệ thống, xếp sau Vietcombank (17.373 tỷ); VPBank (15.322 tỷ) và Techcombank ( 14.100 tỷ đồng ).
Đến cuối tháng 6, MBBank có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt gần 658.300 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất của ngân hàng là cho vay khách hàng đạt 415.457 tỷ và tiền gửi của khách hàng đạt 396.910 tỷ đồng. So với đầu năm, hai chỉ tiêu này đã tăng lần lượt 14,3% và 3,2%.
Chính mức tăng trưởng cao ở chỉ tiêu cho vay khách hàng kể trên đã giúp MBBank trở thành một trong những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận quý II và nửa đầu năm cao nhất thị trường.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng cao này cũng khiến ngân hàng gần cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm Ngân hàng Nhà nước giao. Hiện tại, MBBank cùng nhiều nhà băng khác đang phải chờ cơ quan quản lý tiền tệ nới room tín dụng để có thêm dư địa cho vay cuối năm.
Đi cùng xu hướng tăng mạnh dư nợ cho vay, số dư nợ bị xếp vào nhóm nợ xấu (nhóm 3-5) của MBBank hiện cũng vào khoảng 4.976 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Trong đó, đà tăng chủ yếu tập trung ở nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn.
Hiện tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của nhà băng này vào khoảng 1,2%, cao hơn so với mức 0,9% hồi đầu năm.