Chị Ninh Thúy Hà (giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội) vừa trở về sau chuyến du lịch 1,5 tháng cùng con gái 6 tuổi, mẹ và em trai. Cả nhà di chuyển bằng tàu, taxi, xe khách, thuê ôtô, máy bay để thành viên nhỏ tuổi nhất có trải nghiệm đa dạng.
Trong suốt hành trình, gia đình chị Hà đi liên tục, không nghỉ ngơi quá nhiều. Xuất phát từ Hà Nội, họ đặt chân tới nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Lạt, Phú Quốc,… và Tây Bắc.
“Chồng mình không đi xuyên suốt cùng cả nhà vì vướng bận công việc. Khi thu xếp được, anh bay vào rồi lại bay ra. Ông bà nội và ông ngoại của bé cũng tham gia ở một số chặng. Chi phí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lưu trú, ăn uống, di chuyển. Bởi vậy, lựa chọn hình thức phù hợp ngân sách sẽ có chuyến đi vui”, chị Hà nói.
Lần đầu đi xuyên Việt
Vợ chồng chị Hà cho bé Nguyễn Bảo Khanh (tên thường gọi là Nghé) du lịch từ Bắc vào Nam khi mới 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, chuyến đi vừa rồi là hành trình dài ngày đầu tiên của bé.
“Chuyến xuyên Việt này là món quà nghỉ hè vợ chồng mình muốn tặng Nghé. Mình quyết định nhanh chóng vì để ý tính cách và sở thích của con. Bé vốn năng động, nhiều năng lượng, thích di chuyển, khám phá và yêu thiên nhiên. Vì vậy, tranh thủ con được nghỉ, mình muốn đưa bé đi tận hưởng cảnh đẹp của đất nước”, chị nói.
Bên cạnh đó, chị Hà mong muốn xây đắp kỷ niệm hạnh phúc về gia đình trong tuổi thơ của con. Chị coi đây là nền tảng giúp bé có cuộc sống vui vẻ và tích cực, đồng thời bồi đắp vốn sống phong phú để lớn lên con trở thành cô gái thú vị, tự tin, bản lĩnh.
Chị Hà cũng nhân tiện test thể lực con gái xem bé có đủ khả năng đi liên tục dài ngày và di chuyển nhiều trong điều kiện thời tiết khác nhau hay không. Vì thiên về khám phá và hoạt động, ngày nào bé cũng phải dậy sớm và lịch trình hầu như kéo dài đến tối muộn.
Với chị Hà, công việc bận rộn là điều trăn trở nhất trước chuyến đi. Tuy nhiên, do chỉ nghỉ hè con mới được nghỉ dài ngày, chị quyết định lên đường ngay.
Về hành trang, xác định đi lâu, di chuyển nhiều, lại có người già và trẻ nhỏ, chị Hà ưu tiên mang gọn nhẹ, đơn giản như quần áo, đồ vệ sinh cá nhân, thuốc dự phòng. Chị làm việc đến sát giờ và chỉ xếp hành lý 30 phút trước khi khởi hành.
Trên đường đi, cả nhà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Với riêng Nghé, điều ấn tượng nhất là được là xem cá voi ngụp lặn ở biển Mũi Dinh hay được tận tay chạm vào hải cẩu vì bé rất yêu động vật.
Dù di chuyển dài ngày và thời tiết nắng nóng, cô bé 6 tuổi không tỏ ra mệt mỏi mà luôn phấn khích khi đến địa điểm mới, tiếc nuối lúc phải rời đi. Cứ sau bữa tối, bé lại kéo cả nhà đi bộ đến tận khuya.
“Sau vài ngày như vậy, mình không còn lo lắng. Nghé thậm chí nhanh nhẹn hơn mẹ khi tìm toa tàu hay ghế ngồi trên máy bay. Gọi đồ hay mua gì cũng vậy, mình thường ngồi một chỗ còn con hăng hái làm hết. Con cũng vui vẻ trò chuyện với mọi người xung quanh”, người mẹ kể.
Tạo trải nghiệm cho con
Thay vì tốn thời gian lo lắng và sắp xếp chỗ ở, điểm đi chơi hay ăn uống trong suốt hành trình, chị Hà thường nhờ lái xe là người địa phương tư vấn. Kết quả, cả nhà luôn có trải nghiệm thú vị và bất ngờ.
Chị Hà cho rằng chuyến đi dài ngày chắc chắn tốn kém, nhất là khi chị cho con trải nghiệm đa dạng hình thức di chuyển và lưu trú. Tuy nhiên, người mẹ cũng cho rằng ngân sách eo hẹp vẫn có thể đi xuyên Việt, tùy thuộc vào lựa chọn dịch vụ của mỗi cá nhân/gia đình.
Trở về sau chuyến đi, chị Hà không thấy con gái thay đổi nhiều bởi cô bé vốn tự tin, dạn dĩ từ trước. Bé Nghé có thêm hiểu biết về các tỉnh, thành, thiên nhiên và có nhận thức riêng về vẻ đẹp của từng nơi đến.
“Nghé so sánh, biết con muốn quay lại nơi nào và vì sao. Sức bền của con có vẻ cũng tăng lên”, chị nói.
Trước hè, cũng là mùa leo núi, chị Hà cho con gái đi trekking và phượt ở Tây Bắc. Đến nay, ngoài đi đèo và săn mây ở Tà Xùa (Sơn La) hay lên đỉnh Fansipan, cô bé đã chinh phục Tà Chì Nhù, Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn.
Chia sẻ về việc cho con đi du lịch và trekking từ khi còn nhỏ, chị Hà cho rằng việc để bé quanh quẩn ở nhà sẽ gây bí bách, buồn chán. Chị mong muốn con có sự háo hức với những điều mới mẻ và trải nghiệm môi trường sống, điều kiện khí hậu khác nhau. Nhờ đó, cơ thể bé sẽ dễ thích nghi hơn, sức khỏe ít nhiều có sự cải thiện.
“Mình thấy thiên nhiên rất tốt cho tâm hồn con trẻ, đi nhiều cũng giúp con tích lũy được kỹ năng sống quan trọng. Nếu có thể, bố mẹ nên thu xếp cùng con có những chuyến đi ý nghĩa. Gần cũng được, xa cũng tốt, miễn là chia sẻ thời gian, tạo nên kỷ niệm bên nhau. Điều đó sẽ giúp tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc, lạc quan”, chị nói.
Sắp tới, chị Hà dự định cho con gái đi trekking khi vào mùa và khám phá thêm nhiều mảnh đất, hòn đảo xinh đẹp của Việt Nam.
Năm nay, chị cho bé trải nghiệm hành trình dài để hiểu tổng quan về đất nước, còn các hè sau vẫn đi nhưng tập trung vào 1-2 điểm đến để con hiểu thêm về văn hóa, con người, vùng miền. Người mẹ hy vọng con gái thích kế hoạch này và hy vọng bổ ích cho bé.