Không ngừng thử nghiệm
Trồng chuối và nuôi heo đang là mảng kinh doanh chính mang lại phần lớn lợi nhuận cho công ty. Các mảng kinh doanh khác như bán vật tư nông nghiệp, cung cấp dịch vụ … cho dù mang lại hàng trăm tỷ đồng doanh thu trong năm 2021, nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể.
“Công thức” nuôi heo ăn chuối trước mắt đã mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho Hoàng Anh Gia Lai, ít nhất là ở dòng tiền hoạt động kinh doanh. Từ năm 2016 đến nay, trong nỗ lực vực dậy Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi khoản nợ khổng lồ, khó có thể kể hết những startup mà ông Đoàn Nguyên Đức đã từng trải qua.
Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu trồng chanh dây, loại cây ăn trái đầu tiên tại cao nguyên Paksong (Lào) vào mùa xuân năm 2016. Tại cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư một năm sau đó, Bầu Đức tuyên bố chanh dây sẽ là cây chủ lực của công ty, do thời gian cho trái ngắn (chỉ sáu tháng), và mỗi cây có tuổi thọ tới ba năm. Diện tích chanh dây từ hàng nghìn héc-ta dự kiến, giảm dần xuống chỉ 100 héc-ta vào cuối năm 2018 và không còn xuất hiện trong báo cáo thường niên của công ty năm 2019.
Về lý do bỏ cây chanh dây, Bầu Đức lý giải: Cây chanh dây dễ sâu bệnh, và chỉ duy trì được một mùa.
Trên thực tế, tại thời điểm đó, dù chanh dây là loại trái cây hấp dẫn với thị trường Trung Quốc, thị trường chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai, thì việc xuất khẩu của Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ là tiểu ngạch với rất nhiều bấp bênh. Mãi tới tháng Bảy năm nay, phía Trung Quốc mới chính thức cho phép nhập khẩu chính ngạch trái chanh dây từ Việt Nam.
Khi bắt đầu với mảng trái cây, Hoàng Anh Gia Lai xác định chanh dây là loại trái cây chủ lực, bên cạnh thanh long, xoài, mít, chuối, thậm chí cả ớt… với thị trường chính là Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, chuối gần như là loại trái cây duy nhất mà Hoàng Anh Gia Lai trồng và xuất khẩu, cho heo ăn.
Trước đó, thị trường biết đến Hoàng Anh Gia Lai với mảng kinh doanh bất động sản với một loạt dự án chung cư, khách sạn. Năm 2006, khi mới niêm yết, giá trị doanh nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai đã giúp Bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Rồi đến mía đường, bò thịt, thủy điện, cao su… các mảng kinh doanh Hoàng Anh Gia Lai theo đuổi với quy mô lớn, cũng dần mang lại quả đắng sau những trái ngọt đầu tiên.
Như những lần thử sức trước đó, thị trường và phương pháp quản trị sẽ quyết định thành/bại của bầu Đức trong hai mảng kinh doanh mới này. Nếu như thị trường chuối đã được Hoàng Anh Gia Lai khai thác ổn định, với quy mô lớn từ gần 5 năm nay, thì nuôi heo ăn chuối là thử nghiệm hoàn toàn mới mẻ.
Câu chuyện “heo ăn chuối” có thực sự phát huy hiệu quả trong công tác bán hàng hay không, sản phẩm có được chấp nhận rộng rãi và lâu dài hay không, vẫn là một ẩn số.
Ban đầu lãi lớn, năm sau giảm dần
Bất kỳ ai theo dõi Hoàng Anh Gia Lai đủ lâu đều nhận thấy “công thức” biên lợi nhuận của công ty này: vô cùng cao khi bắt đầu, và giảm nhanh chóng trong các năm sau, khi mô hình kinh doanh không còn hiệu quả.
Đơn cử, năm 2013, khi Hoàng Anh Gia Lai còn là tân binh trong lĩnh vực mía đường, biên lợi nhuận gộp (là tỷ lệ lợi nhuận gộp và doanh thu) ngành mía đường của công ty đã là thách thức với các doanh nghiệp mía đường lâu năm: trên mức 60%, trong khi các doanh nghiệp đầu ngành như Đường Biên Hòa, Đường Sơn La, Đường Ninh Hòa, Đường Lam Sơn… đều dưới 30%.
Hoàng Anh Gia Lai có nhiều câu chuyện để kể - giải thích cho tỷ lệ cao chót vót này: Lợi thế nhờ quy mô, cánh đồng liền mạch và kỹ thuật tưới nhỏ giọt từ Israel… Mảng kinh doanh này cuối cùng được bán cho Thành Thành Công, tập đoàn hàng đầu về mía đường tại Việt Nam.
Với bò thịt, bầu Đức từng nuôi tham vọng sẽ cứu sống công ty và quyết định nhập hàng trăm nghìn con từ Úc. Nhưng biên lợi nhuận của mảng kinh doanh này cũng nhanh chóng sụt giảm từ mức gần 40% khi vừa bắt đầu, đến thua lỗ (tính theo quý) sau đó chỉ một năm.
Sự quyết tâm của bầu Đức và đội ngũ lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai là điều không thể phủ nhận. Và sau mỗi kế hoạch không thành công, tài sản cá nhân của bầu Đức lại vơi đi một chút khi giá trị doanh nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai không ngừng giảm sút. Máy bay cá nhân mua từ năm 2008, cũng đã được người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai bán đi 9 năm sau đó khi công ty đối mặt với hàng loạt khó khăn với các khoản nợ đến hạn.
Dự án bất động sản tại Myanmar, từng là một trong những dự án bề thế nhất ở Yangon, cuối cùng cũng đành phải sang tay cho đối tác để thanh toán các khoản nợ đến hạn, hậu quả của những khoản đầu tư sai lầm trước đó.
Bầu Đức cũng từng dốc tiền vào trồng cọ dầu và có diện tích cọ dầu khoảng trên 10.000 héc-ta tại ba nước Đông Dương. Nhưng bốn năm trở lại đây, loại cây này hầu như không mang lại doanh thu cho công ty. Cọ dầu là loại cây dễ sống, nhưng để có thể cho quả thu hoạch, thì đòi hỏi công chăm sóc và nguồn nước cực kỳ dồi dào.
Lợi nhuận vượt trội nửa đầu năm 2022 của Hoàng Anh Gia Lai so với cùng kỳ, gắn liền với những thuận lợi về giá cả thị trường, đặc biệt là giá thịt heo, cần được nhìn nhận một cách thận trọng.
Nuôi heo vẫn là ngành kinh doanh mới của Hoàng Anh Gia Lai và chưa được kiểm chứng về sự vững chắc. Hiện Hoàng Anh Gia Lai chưa công bố báo cáo chi tiết, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của mảng nuôi heo của công ty ở vào khoảng 33%, lấy theo kết quả kinh doanh quý 1/2022. Đây vẫn là mức lợi nhuận biên cao so với thị trường, đặc biệt trong tình hình giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao.
Với mảng kinh doanh trái cây, cụ thể là chuối, mùa thu hoạch nửa cuối năm thông thường mức giá sẽ cao hơn đầu năm, do Trung Quốc bước vào mùa đông lạnh giá, không phù hợp với cây chuối - Hoàng Anh Gia Lai sẽ có lợi thế so sánh đáng kể.
Tính đến cuối quý 1/2022, Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn khoản lỗ chưa phân phối hơn 4.200 tỷ đồng, là kết quả của những đợt hồi tố gây nhiều tranh cãi. Kết quả kinh doanh quý 2/2022 của công ty, vì vậy vẫn cần được soát xét và kiểm toán vào cuối năm để trở nên đáng tin cậy hơn.