Hôm 7/7, cơ quan giám sát chống độc quyền của Anh cho biết họ đã bắt đầu một cuộc điều tra về thương vụ 68,7 tỷ USD của Microsoft Corp. (Microsoft) mua lại Activision Blizzard Inc. (Activision), nhà sản xuất của tựa game đình đám “Call of Duty”.
Tuy nhiên, cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) cho hay phải đến ngày 1/9 họ mới có thể đưa ra kết luận điều tra giai đoạn một về việc liệu thỏa thuận giữa ông lớn công nghệ và Activision có làm giảm mức độ cạnh tranh thị trường tại Vương quốc Anh hay không.
“Chúng tôi cam kết giải đáp các câu hỏi từ nhà chức trách và tin rằng quá trình xem xét kỹ lưỡng sẽ giúp thỏa thuận có một cái kết đẹp, mang lại sự tin tưởng và tín hiệu tích cực cho sự cạnh tranh”, Lisa Tanzi, phó chủ tịch kiêm cố vấn chung của Microsoft phản hồi Reuters trong một tuyên bố gửi qua email.
Vị này cũng mong đợi và tin tưởng cơ quan quản lý sẽ xem xét kỹ lưỡng để đi đến kết luận rằng thương vụ này là hợp pháp.
Trong khi đó, Activision lại không đưa ra bất kỳ phản hồi nào liên quan đến cuộc điều tra trên.
Trước đó vào ngày 18/1, Microsoft thông báo sẽ tiến hành mua lại Activision với giá 68,7 tỷ USD . Thương vụ này được cho là động thái củng cố sức mạnh trong tình hình thị trường game đang bùng nổ với sự góp mặt của các ông lớn như Tencent và Sony.
Theo dữ liệu của Refinitiv, đây là thương vụ mua lại hoàn toàn bằng tiền mặt lớn nhất trong lịch sử, đồng thời là bước đầu tiên trong kế hoạch chinh phục vũ trụ ảo (metaverse) của Microsoft.
Metaverse của Microsoft được đánh giá sẽ trở thành đối thủ trực tiếp với Horizon của Facebook (hiện đã đổi tên thành Meta).
Kết quả cuộc điều tra giai đoạn một của CMA sẽ dẫn đến hai khả năng, hoặc thỏa thuận giữa hai bên bị xóa bỏ, hoặc sẽ bước tiếp vào giai đoạn 2 với những đánh giá chuyên sâu hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ dính vào các vụ bê bối.
Hồi cuối tháng 3, Microsoft đã phải đối diện với cáo buộc hối lộ từ Yasser Elabd, cựu giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi tại Trung Đông và châu Phi của tập đoàn.
Cụ thể, trong giai đoạn làm việc 1998-2018, Yasser Elabad ước tính hãng công nghệ Mỹ đã chi 200 triệu USD mỗi năm để hối lộ và ăn chia hoa hồng. Danh sách những người nhận tiền bao gồm các quan chức chính phủ tại Ghana, Nigeria, Zimbabwe, Qatar và Saudi Arabia.
Một lãnh đạo tập đoàn tại Hungary cũng bị phát hiện kê khống lợi nhuận biên trong giai đoạn 2013-2015, theo kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ.
Cuộc điều tra khác do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) tiến hành cũng đi đến kết luận hơn 440.000 USD trong quỹ marketing của Microsoft đã được dùng làm quà tặng cho nhân viên chính phủ Ả Rập Saudi.
Vào năm 2019, Microsoft đã phải nộp tổng cộng 25 triệu USD cho các cơ quan điều tra để giải quyết 2 vụ việc nói trên.