Theo Reuters, Microsoft và Sony vẫn luôn cung cấp một số tiền lớn cho các nhà phát triển game để đăng lên dịch vụ Game Pass và PlayStation Plus.
Tuy nhiên, Genshin Impact, trò chơi hành động nhập vai từ studio miHoYo ở Thượng Hải, thu về hàng tỷ USD chỉ sau 2 năm phát hành, làm sự quan tâm của phương Tây đối với game Trung Quốc ngày càng tăng, phản ánh sự trưởng thành của ngành phát triển game của Trung Quốc.
Microsoft tích cực tìm kiếm các nhà phát triển trò chơi điện tử tại Trung Quốc để cạnh tranh với Sony. Ảnh: Reuters.
Game Trung Quốc ngày càng lớn mạnh
Daniel Ahmad, nhà phân tích cấp cao của Niko Partners, cho biết các trò chơi được phát triển bởi Trung Quốc hiện đã ngang bằng với các trò chơi có kinh phí lớn của phương Tây.
Ahmad chia sẻ: “Các nhà phát triển game Trung Quốc đang cố gắng tiêu chuẩn hóa các công cụ phát triển của họ, tạo ra các quy trình sản xuất tiên tiến, đầu tư vào các nhóm quy mô lớn, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh, tiếp cận nhiều đối tượng cả về địa lý và nền tảng".
Reuters cho biết Microsoft đã và đang xây dựng một đội để tìm kiếm các trò chơi Trung Quốc. Nhà sản xuất Xbox, chủ yếu chỉ lấy các tựa game có thương hiệu lớn, đang muốn với tới các studio độc lập với các đề nghị kiếm tiền lớn.
Đồng thời, Microsoft đang mở rộng dịch vụ sang máy tính cá nhân và thiết bị cầm tay, làm tăng sự thu hút của các nhà phát triển Trung Quốc như miHoYo vốn đã nổi tiếng về khả năng tương thích nhiều người chơi, đa nền tảng. Genshin Impact là một ví dụ điển hình.
Thực tế, Microsoft đã trả 2,5 triệu USD cho trò chơi hành động "ARK: Survival Evolved" để có mặt trên Game Pass và 2,3 triệu USD cho phần tiếp theo ARK 2 - cả 2 đều thuộc sở hữu của công ty Snail Games từ Trung Quốc.
Luo Zixiong, Giám đốc điều hành của Recreate Games tại Thượng Hải, cũng cho biết công ty đã ký một thỏa thuận ra mắt độc quyền trên Xbox với Microsoft vào năm ngoái cho tựa game sắp ra mắt "Party Animals".
Khoảng hơn 10 năm trước, game thủ Trung Quốc chủ yếu sẽ chơi các tựa game nhập khẩu vì các game sản xuất trong nước lúc đó chất lượng rất kém. Ngay cả công ty game số một Trung Quốc là Tencent cũng từng phải phát hành game nước ngoài.
Genshin Impact là một cột mốc quan trọng của ngành công nghiệp toàn cầu. Ảnh: Gameinformer.
Nhưng hiện này mọi việc đã có sự thay đổi chóng mặt. Nguyên nhân ngoài việc các nhà phát hành Trung Quốc ngày càng có sự đầu tư và xuất hiện các quy định hạn chế nhập khẩu các trò chơi mới, việc các kỹ sư từng làm việc tại các studio hàng đầu thế giới như Ubisoft và Blizzard bắt đầu quay trở lại nước nhà đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho game Trung Quốc.
Các hãng game trên thế giới hiện coi Genshin Impact là một cột mốc quan trọng của ngành công nghiệp toàn cầu, khi đánh giá cao nội dung và tính đa nền tảng của tựa game. Apple thậm chí đã sử dụng Genshin Impact để chứng minh sức mạnh của các thiết bị cao cấp, như iPad Air mới được trang bị chip xử lý M1.
Một cột mốc quan trọng khác là "Naraka: Bladepoint" năm 2021 của NetEase, công ty trò chơi lớn thứ hai Trung Quốc. Trong khi hầu hết game Trung Quốc đều miễn phí và thu lợi nhuận từ việc bán đồ trong game, thì "Naraka: Bladepoint" đã bán được hơn 10 triệu bản bất chấp mức giá lên tới 20 USD, thể hiện sự tự tin vào giá trị của nó.
Microsoft tụt hậu so với Sony
Theo Reuters, Microsoft đã chậm hơn khá nhiều so với Sony trong vấn đề thu hút các nhà phát triển Trung Quốc.
Vào năm 2017, công ty Nhật Bản này đã tung ra chương trình tăng tốc "China Hero Project" nhằm tìm các nhà phát triển Trung Quốc phát hành trò chơi trên PlayStation của mình. Tới nay, Sony đã hỗ trợ 17 tựa game trong đó có 7 tựa game đã được tung ra thị trường.
Sony đã ra chương trình "China Hero project" từ năm 2017. Ảnh: Sony.
Kuangyi Zhou, cựu quản lý của “China Hero Project” cho hay: "Chúng tôi đã làm việc trong im lặng trong hai năm qua nhưng thực tế dự án ngày càng phát triển và chắc chắn rằng sẽ có thêm các đợt trò chơi mới ra mắt".
Năm 2019, Sony hợp tác với miHoYo, một studio ít được biết đến đang phát triển Genshin Impact. Trò chơi chỉ sau một năm đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, có sẵn cho máy tính cá nhân và thiết bị cầm tay, nhưng phiên bản console chỉ có trên PlayStation.
Có một sự thật là Microsoft từng bỏ lỡ Genshin Impact. Công ty đã đàm phán với miHoYo sớm hơn, ngay từ lúc đang phát triển, nhưng đã không đạt được thỏa thuận. Bài học này đã là động lực thúc đẩy Microsoft mạnh tay hơn trong việc theo đuổi các nhà phát triển Trung Quốc.