Chỉ trong 2 tháng đầu năm, thị trường xe Việt ghi nhận nhiều sự chuyển biến khi Toyota rời top 3 xe bán chạy, phân khúc dẫn đầu cũng đã không còn là SUV hay sedan như năm trước.
Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, doanh số của nhóm xe du lịch của cả thị trường xe Việt đạt 23.137 chiếc. Đây cũng kỳ báo cáo ghi nhận nhiều sự xáo trộn khi miếng bánh thị trường xe ngày càng trở nên đông đúc trong khi sức mua vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Xe Nhật vẫn dẫn đầu
Tại Việt Nam, nhóm xe đến từ Nhật Bản luôn chiếm phần quan trọng trên bảng xếp hạng doanh số bởi có đến 6 hãng xe và số lượng mẫu xe áp đảo.
Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và TC Group, tổng doanh số của của các hãng xe Nhật đạt 14.005 xe, chiếm 53,5% thị phần. Nhóm xe Hàn Quốc với 2 đại diện là Kia và Hyundai ghi nhận tổng doanh số sau 2 tháng đầu năm là 8.223 xe, tương đương 31,4% lượng xe tiêu thụ cả nước.
Sự thống trị của nhóm xe đến từ Nhật Bản được thể hiện rõ rệt ở nhiều phân khúc ăn khách trên thị trường Việt như MPV đô thị, Sedan cỡ B hay SUV cỡ C.
Cụ thể, ở phân khúc SUV cỡ B tầm giá 600 triệu đồng, tổng doanh số của nhóm xe Hàn Quốc sau 2 tháng đầu năm đạt 2.032 chiếc, chiếm 59,6% lượng xe bán ra cả nhóm. Hơn 40% doanh số còn lại thuộc về những đại diện đến từ Hàn gồm Hyundai Creta và Kia Seltos.
Phân khúc SUV tầm giá dưới một tỷ đồng là cuộc cạnh tranh của 3 nước Hàn, Nhật, Mỹ khi tập hợp gần như đầy đủ đại diện của các hãng. Trong đó, nhóm xe Hàn Quốc bán được 511 xe sau 2 tháng, thấp hơn cả Mỹ với duy nhất một thành viên là Ford Territory. Nhóm xe Nhật Bản vẫn dẫn đầu khi tổng lượng xe SUV cỡ C tiêu thụ sau 2 tháng đầu năm đạt 1.826 chiếc.
Tuy gặp bất lợi về lượng xe góp mặt trên thị trường, nhóm xe Hàn Quốc vẫn đạt được lợi thế ở một số phân khúc cố định. Dễ thấy nhất là nhóm xe cỡ nhỏ, giá rẻ với cán cân hoàn toàn nghiêng về nhóm xe Hàn.
Cụ thể, sau 2 tháng của năm nay, cả phân khúc xe hạng A đạt tổng doanh số 1.084 chiếc. Trong đó, nhóm xe hàng chiếm đến 78,5% với 852 xe từ 2 đại diện là Kia Morning và Hyundai Grand i10.
Xe đến từ Mỹ với đại diện là Ford tuy gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh cùng nhóm xe Hàn và Nhật nhưng vẫn tạo được tệp khách hàng riêng và độc chiếm doanh số ở một vài phân khúc cố định.
Phân khúc bán tải đã trở thành sân chơi riêng của xe Mỹ khi Ford Ranger luôn gánh vác gần như toàn bộ doanh số. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, phân khúc bán tải đạt doanh số 2.057 xe, trong đó, 90% lượng xe bán ra là Ford Ranger.
Toyota rời khỏi top 3 hãng bán chạy
Hai tháng đầu năm nay ghi nhận nhiều cuộc đổi ngôi bất ngờ không chỉ ở cấp phân khúc mà còn ở toàn thị trường. Không một đại diện nào của Toyota nằm trong danh sách 10 xe bán chạy của tháng trong 2 tháng đầu năm.
Kết thúc 2 tháng đầu năm, hãng xe Nhật tiêu thụ 3.457 xe, giảm 56,2% so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên Toyota rời khỏi vị trí top 3 hãng xe bán chạy nhất thị trường.
Dẫn đầu thị trường xe là Hyundai với tổng doanh số sau 2 tháng đạt 4.468 xe. Tuy lượng xe phổ thông bán ra giảm 43,7% so với cùng kỳ năm 2023, Hyundai vẫn đủ sức giữ vững ngôi vương trước sức ép của các hãng đối thủ như Ford hay Kia.
Màn đổi ngôi nổi bật trong 2 tháng đầu năm nay là sự vươn lên của Ford khi bán thành công 3.949 xe sau 2 tháng, trở thành hãng ôtô bán chạy thứ nhì thị trường. Ở cùng kỳ năm trước, Ford bán thành công 4.733 xe nhưng chỉ nằm ở top 4 khi đọ sức cạnh tranh của Kia và Toyota.
Tuy không có đại diện nào lọt vào top 3 xe bán chạy của thị trường trong 2 tháng gần nhất, Kia vẫn là hãng ôtô bán chạy thứ 3 thị trường với tổng doanh số xe đạt 3.755 xe. Điều này phần lớn đến từ sức bán tốt và có phần ổn định của nhiều mẫu SUV, MPV như Seltos, Sonet hay Carnival.
MPV ngày càng được ưa chuộng
Cách đây khoảng 5 năm, thị trường xe Việt Nam là mảnh đất riêng của sedan khi dòng xe gầm thấp chiếm được cảm tình của đại đa số người Việt. Theo thời gian, sức hấp dẫn lại được chuyển sang phân khúc MPV khi ngày càng có nhiều người lựa chọn đây là mẫu xe cho gia đình.
Với lợi thế về giá, kích thước cũng như thiết kế, MPV đã trở thành phân khúc bán chạy nhất thị trường. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, nhóm xe này bán được 4.296 chiếc, vượt cả sedan B trở thành vua của thị trường xe Việt.
Doanh số của MPV bình dân sau 2 tháng đầu năm nhiều gấp gần 4 lần lượng xe bán ra của nhóm SUV cỡ A, sedan cỡ C, xe cỡ nhỏ... và nhiều hơn gấp 4 lần tổng lượng sedan D bán ra sau 2 tháng.
Mitsubishi Xpander đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của phân khúc bởi đây là mẫu xe dẫn dắt cả nhóm đến ngôi đầu bảng. Với doanh số tổng đạt 1.926 xe sau 2 tháng, Xpander nắm giữ hơn 44,8% tổng lượng xe bán ra của phân khúc.
Sự thành công của nhóm xe này không chỉ đến từ lợi thế về giá bởi nhóm MPV tầm giá trên một tỷ đồng cũng ghi nhận kết quả bán hàng nằm ở mức tốt mà phần lớn nhờ vào Kia Carnival với doanh số 607 xe sau 2 tháng đầu năm.
Với sự góp mặt của 3 đại diện gồm Hyundai Custin, Toyota Innova Cross và Kia Carnival, phân khúc MPV tầm giá trên một tỷ đồng cũng ghi nhận doanh số đạt 988 xe sau 2 tháng đầu năm. Gần đây, Volkswagen Viloran cũng được ra mắt tại Việt Nam và tạo được tiếng vang nhất định trên thị trường.
Những cái tên gánh vác doanh số
Nhìn chung tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường, những át chủ bài của các hãng trong năm nay dự kiến sẽ không có quá nhiều thay đổi. Hyundai Accent vẫn là cái tên gánh vác doanh số của hãng xe Hàn Quốc khi lượng xe bán ra trong 2 tháng đầu năm nay vượt trên 1.200 xe, chiếm hơn 28,6% doanh số của hãng tại thị trường Việt Nam.
Hãng xe Hàn Quốc còn lại là Kia lại có chút xáo trộn khi doanh số 2 tháng đầu năm cho thấy Kia Seltos đã không còn là mẫu xe bán chạy nhất của hãng mà là mẫu SUV cỡ nhỏ Kia Sonet. Kết quả bán hàng gần nhất ghi nhận Kia Sonet bán được 1.138 xe, trong khi Seltos bán được 726 xe. Mới đây, trang chủ của Kia Việt Nam đã quảng cáo về sự có mặt của Seltos thế hệ mới. Đây dự kiến sẽ là niềm hy vọng giúp mẫu SUV cỡ B này nắm giữ vị trí át chủ bài của mình.
Vua sedan B một thời là Toyota Vios tuy có khởi đầu không thuận lợi nhưng vẫn có doanh số trong 2 tháng của quý I đạt 823 xe, chiếm 23% lượng xe Toyota bán ra thị trường.
Song với dải sản phẩm dài cùng nhiều mẫu xe vừa ra mắt, nếu không có thêm cú hích giúp lượng xe Vios bán ra quay về mức tốt như những tháng trước, vị trí át chủ bài này dự kiến rơi vào tay của Innova Cross hay Yaris Cross dù doanh số vẫn có cách biệt khá lớn.
Honda City vẫn là mẫu xe gánh vác doanh số của hãng khi lượng xe bán ra sau 2 tháng đầu năm đạt 1.122 chiếc. Đây cũng là mẫu xe hiếm hoi trên thị trường ghi nhận mức tăng trưởng dương trong tháng thứ 2 của quý I.
Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra toàn bộ mẫu xe còn lại của hãng, Honda HR-V vẫn có thể trở thành cái tên bán chạy nhất của hãng xe Nhật Bản này. Kết thúc 2 tháng đầu năm nay, HR-V cũng ghi nhận doanh số đạt 1.083 xe, thấp hơn City chỉ 29 chiếc.
Nhiều trông đợi vào quý II
Thị trường xe Việt trong quý I đã chứng kiến nhiều màn giảm doanh số bất ngờ phản ánh sự ảm đạm của của kinh tế. Sự khởi đầu chậm chạp cùng hàng loạt khó khăn đã khiến Toyota Vios nói riêng cũng như Toyota Việt Nam mất sức cạnh tranh với các hãng kề cận.
Hyundai cũng mất gần một nửa doanh số xe du lịch nếu so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng đầu tiên thị trường không ghi nhận bất kỳ mẫu xe nào có doanh số vượt mốc 1.000 chiếc/tháng.
Tuy nhiên, nhiều cái tên vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương như Honda City, Toyota Wigo hay Toyota Fortuner.
Hàng loạt mẫu xe mới mang động cơ Hybrid cũng được ra mắt thị trường và VAMA cũng bắt đầu tách riêng doanh số của những mẫu xe này cho thấy thị trường dần thúc đẩy công nghệ động cơ mới.
Kết thúc 2 tháng đầu năm nay, doanh số tổng của các mẫu hybrid bao gồm Toyota Camry hybrid, Corolla hybrid, Corolla Cross hybrid hay CR-V hybrid, Ertiga hybrid đạt 781 chiếc, khẳng định sức hấp dẫn của nhóm xe công nghệ mới này đối với người dùng Việt.
Với các chương trình ưu đãi, khuyến mại về giá hay lãi suất trả góp được các hãng liên tục triển khai cùng với nhiều cái tên mới sắp xuất hiện, có quyền hy vọng vào một tương lai sôi động hơn cho toàn bộ thị trường xe Việt kể từ quý II năm nay.