Tiết kiệm sớm giúp bạn tránh rơi vào thế bị động với tình huống khẩn cấp và có khoản tiền dự trù cho tương lai.
“Khi nào nên tiết kiệm?”, “Độ tuổi thích hợp để tích cóp cho tương lai?”, “Đặt mục tiêu như thế nào?” là những câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ băn khoăn khi bắt đầu lập kế hoạch tiết kiệm cho bản thân.
Một số cho rằng khi có nguồn thu nhập ổn định và số tiền đủ lớn mới nên nghĩ đến chuyện “bỏ lợn”.
Tuy nhiên, theo CNN Money, suy nghĩ này thường dẫn đến nhiều vấn đề tài chính trong tương lai và khiến bản thân luôn trong tình trạng căng thẳng, bị động. Tiết kiệm ngay khi có thể là cách thực hành tài chính khôn ngoan ở mọi lứa tuổi.
“Nhiều người thực sự không biết nên tiết kiệm vào thời điểm nào nếu họ muốn mua nhà hoặc để dành tiền nghỉ hưu. Sẽ tốt hơn nếu bạn tích cóp lúc còn trẻ thay vì đợi có nhiều tiền mới bắt đầu”, Winnie Sun, cố vấn tài chính và đối tác sáng lập của Sun Group Wealth Partners, cho biết.
Tại sao nên tiết kiệm từ sớm?
Bạn có mức lương ổn định nhưng luôn rơi vào tình trạng “nhẵn túi” vào cuối tháng. Khi muốn mua một món đồ có giá trị cao, bạn luôn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình. Đã đến lúc bạn nên xem xét tiết kiệm ngay từ bây giờ.
Bên cạnh mục tiêu ngắn hạn, nếu không xây dựng thói quen tích cóp, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện những kế hoạch dài hạn như kết hôn, bắt đầu kinh doanh hoặc mua nhà.
Ngoài ra, khi đến độ tuổi 30-40, chúng ta cũng gánh vác nhiều trách nhiệm lớn hơn cần đụng đến tiền bạc. Do vậy, tiết kiệm từ sớm có thể mang lại cho bạn một khởi đầu thuận lợi, suôn sẻ.
Cuộc sống ngày càng trở nên đắt đỏ khi thế giới đối mặt với giá cả tăng cao, lạm phát, dịch bệnh… Nhưng khi có thêm tiền, nhiều người có xu hướng chi mạnh tay hơn để tận hưởng những thú vui mới.
Việc thỏa mãn nhu cầu mua sắm, thói quen cá nhân có thể khiến khoản thu nhập vừa được tăng thêm nhanh chóng biến mất trong khi tiền tiết kiệm mỏng dần đi. Đây được gọi là lạm phát lối sống (lifestyle inflation).
Theo đuổi những giá trị vật chất chưa bao giờ là một lựa chọn khôn ngoan. Nếu không biết kiểm soát, bạn rất dễ rơi vào vóng xoáy này và dẫn đến cảm giác thiếu thốn dù có mức lương cao.
Vì thế, bắt đầu tiết kiệm ngay và luôn giúp bạn thiết lập một lối sống cân bằng, tránh sa chân vào niềm vui chớp nhoáng, tiêu xài không cần thiết và có khoản dự trù cho tình huống khẩn cấp.
Tóm lại, đừng đợi đến khi có nhiều tiền rồi mới bắt đầu “bỏ lợn”. Hãy xây dựng thói quen tích lũy tài chính càng sớm càng tốt để gặt hái nhiều lợi ích trong tương lai.
Thời điểm “vàng” để tiết kiệm
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu tiết kiệm. Theo CNN Money, người trẻ nên bắt đầu tiết kiệm ở độ tuổi 20, khi mới vừa tốt nghiệp và kiếm được khoản tiền đầu tiên. Dành dụm càng sớm, bạn càng có nhiều thời gian tích cóp và chủ động trong vấn đề tiền bạc.
Thu nhập của mỗi năm có thể tạo ra lợi nhuận trong năm tiếp theo nếu bạn biết cách đầu tư hoặc tiết kiệm đúng phương pháp.
Trước khi quyết định khi nào nên bắt đầu dành dụm tiền, điều đầu tiên bạn nên làm là xác định mục tiêu.
Với mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn mua một chiếc túi yêu thích hoặc chi trả cho kỳ nghỉ sắp tới, bạn có thể đặt ra thời hạn là 6-12 tháng. Còn kế hoạch dài hạn thì cần ít nhất 5 năm để đạt được, ví dụ xây dựng quỹ hưu trí để hỗ trợ bản thân và gia đình.
Ngoài ra, hãy xem xét thu nhập tùy ý (discretionary income) khi quyết định bắt đầu một kế hoạch tiết kiệm nghiêm túc. Đây là khoản tiền còn lại của một cá nhân dùng để chi tiêu, đầu tư hoặc để dành sau khi trả các thuế bắt buộc.
Các chuyên gia khuyên rằng khi thu nhập tùy ý ở mức nhỏ, bạn nên tích cóp tiền càng sớm càng tốt.
Nếu không đáp ứng mức tiết kiệm tối thiểu để đạt được mục tiêu đã đặt ra, hãy xem xét ngân sách và cắt giảm những khoản có thể bỏ qua. Cân nhắc nhận thêm công việc trong thời gian ngắn hạn nếu cần thiết.