Ngay từ thưở nhỏ, trẻ em Do Thái đã được dạy cách tư duy về tiền bạc chỉ với 5 chiếc lọ. Trên thực tế, một đứa trẻ cần "tốt nghiệp" mô hình 5 chiếc lọ vào năm 12 tuổi. Từ đó về sau, đứa trẻ ấy sẽ trở thành một người có tư duy độc lập, có bộ kỹ năng tự lực hoàn chỉnh bao gồm năng lực sản xuất và thực hiện các quyết định tài chính hợp lý.
Bạn cũng có thể tạo ra 5 "chiếc lọ" cho riêng mình và phân chia số tiền mà mình có theo cách sau:
Lọ thứ nhất: Hào phóng
Hãy cho 10% số tiền bạn nhận được vào lọ thứ nhất. Giả sử như bạn có 10 USD thì hãy cho 1 USD vào chiếc lọ này. Số tiền này sẽ được dùng cho những mục đích tốt đẹp để rèn luyện tính hào phóng.
Đây là tư duy quản lý tài chính bắt nguồn từ niềm tin "xởi lởi thì trời cho" của người Do Thái. Chiếc lọ thứ nhất là phương pháp "chữa trị" căn bệnh ích kỷ và lối sống cá nhân hà tiện.
Kinh Thánh của Do Thái giáo dạy mọi người nên nghĩ cho người khác trước tiên rồi sau đó hẵng nghĩ đến bản thân mình.
Lọ thứ hai: Từ thiện
10% tiếp theo sẽ được đặt vào chiếc lọ thứ hai. Đây là số tiền dành ra để giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong cộng đồng.
Khái niệm này củng cố niềm tin cho chiếc lọ thứ nhất và hướng đến cộng đồng rộng hơn. Theo cách nghĩ của người Do Thái, số tiền trong chiếc lọ thứ hai chính là để xây dựng lòng tin trong cộng đồng và mở rộng cơ hội tạo thêm thu nhập.
Họ nghĩ rằng một người càng hào phóng khi cống hiến hết mình mà không mong nhận lại điều gì thì cộng đồng càng tin tưởng hơn vào người đó.
Niềm tin là một yếu tố quan trọng để thành công trong kinh doanh, bởi cộng đồng sẽ muốn ủng hộ cho các doanh nghiệp do một người hào phóng và đáng tin cậy điều hành. Chiếc lọ thứ hai là bài học về nguyên tắc kinh doanh để tích luỹ mạng lưới sâu rộng - một nguồn lực mạnh có thể hỗ trợ các dự án kinh doanh trong tương lai.
Lọ thứ ba: Đầu tư
Chiếc lọ thứ ba sẽ đựng 30% số tiền mà bạn kiếm được. Đây không phải số tiền để tiết kiệm mà là để đầu tư.
Một đứa trẻ Do Thái sẽ được thử thách việc nghĩ ra các dự án kinh doanh cần thực hiện để tăng số tiền ở trong chiếc lọ thứ ba, dù cho trong chiếc lọ ấy chỉ có 2 USD.
Một số người sẽ không thấy suy nghĩ này là không thực tế với lý do là số tiền quá ít ỏi trong khi có đủ loại khó khăn cản trở thành công. Nhưng nếu được dạy ngay từ nhỏ bằng tư duy phát triển chỉ với số tiền nhỏ, đứa trẻ sẽ có khả năng nhìn thấy các cơ hội đầu tư một cách nhạy bén.
Những đứa trẻ trong một gia đình Do Thái đã quyết định đầu tư số tiền trong lọ thứ ba để mua 400 hạt đậu, sau đó gieo hạt và chăm sóc cây. Khi thu hoạch, chúng bán thành quả của mình và dùng một phần số tiền kiếm được để đầu tư tiếp vào một dự án khác.
Lọ thứ tư: Khẩn cấp
Lọ thứ tư đựng 10% số tiền bạn kiếm được và dành cho những trường hợp khẩn cấp.
Cần phải lập ra kế hoạch tài chính để giải quyết những thách thức không lường trước được đòi hỏi cần tiêu tiền ngay lập tức. Có thể bạn sẽ khó thanh lý một số khoản đầu tư trong chiếc lọ thứ ba để đáp ứng trường hợp khẩn cấp trước mắt. Đó là lý do chiếc lọ thứ tư ra đời.
Những đứa trẻ Do Thái được dạy điều này trước tuổi 12.
Lọ thứ năm: Chi tiêu
50% số tiền còn lại của bạn sẽ được để trong chiếc lọ thứ năm và được dùng để chi tiêu theo sở thích và nhu cầu bản thân.
Bạn có thể xây dựng lại thói quen chi tiêu trong khả năng và phù hợp với thu nhập của mình. Chiếc lọ thứ năm sẽ được dùng một cách hợp lý.
Hãy áp dụng những nguyên tắc của người Do Thái ngay từ ngày hôm nay. Dù đang có trong tay bao nhiêu, việc tạo ra 5 "chiếc lọ" của mình cũng đã là một bước khởi đầu mới mẻ.
Có thể bạn sẽ cần tiêu pha "khiêm tốn" hơn vào ngày hôm nay để đáp ứng yêu cầu cho cả 5 chiếc lọ. Nhưng đây là nền tảng để tạo ra cuộc sống vững vàng dù cho ngày mai có gặp khó khăn hay thuận lợi về mặt tài chính. Kể cả khi bạn đã không được dạy về nguyên tắc này ở tuổi 12 thì cũng không sao cả. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.