Elon Musk cùng lúc đối mặt với cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) về việc xử lý dữ liệu người dùng Twitter và cảnh sát Nam California liên quan đến cáo buộc nhắm vào thành viên đội an ninh.
Hàng loạt vấn đề
Theo Bloomberg, bên cạnh các cuộc điều tra của cơ quan chức năng, tỷ phú điều hành Twitter cũng tốn nhiều thời gian vào những vấn đề khác. Ông đang tích cực tìm kiếm ứng viên thay thế mình ở vị trí CEO Twitter - cương vị được Musk nhận định "không ai muốn ngồi vào".
Trước đó, hơn 10 triệu tài khoản bỏ phiếu ủng hộ ông từ chức trong cuộc khảo sát ngày 19/12. "Tôi có nên từ chức người đứng đầu Twitter không?", Musk viết. Khi cuộc bình chọn kết thúc, hơn 17,5 triệu tài khoản tham gia, với 57,5% lựa chọn "Có", và 42,5% còn lại chọn "Không".
Musk khẳng định sẽ tuân theo kết quả bỏ phiếu. Nguồn tin của CNBC cho biết vị tỷ phú thực chất đã tìm kiếm CEO mới cho Twitter trước khi đăng bài khảo sát.
Việc Musk theo đuổi thương vụ và cuối cùng mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD tạo áp lực lớn lên cổ phiếu Tesla, làm hao hụt khối tài sản của ông, đánh bật tỷ phú này khỏi vị trí người giàu nhất thế giới. Điều này khiến cho một nhà đầu tư của Tesla nóng mặt, công khai chỉ trích Elon Musk. Cuối cùng, 2 bên đã công khai đấu khẩu trên mạng xã hội.
Chưa rõ kết quả tìm kiếm CEO mới sẽ đi đến đâu. Trước mắt, Musk phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng tăng từ phía FTC. Cơ quan này đang mở rộng điều tra về các hoạt động bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của Twitter kể từ sau khi Musk tiếp quản.
Tháng trước, luật sư của FTC chất vấn 2 cựu lãnh đạo cấp cao về việc tuân thủ quy định sau giai đoạn Twitter trở thành công ty tư nhân của tỷ phú giàu thứ 2 thế giới. Thương vụ diễn ra cuối tháng 10 kéo theo đợt từ chức hàng loạt của nhân sự quản lý mảng pháp lý, quyền riêng tư, tạo tiền đề cho một cuộc điều tra sâu rộng hơn.
FTC cũng mở một cuộc điều tra mới đối với Twitter sau khi cựu Giám đốc an ninh mạng, Peiter Zatko, nộp đơn tố giác. Zatko làm chứng tại quốc hội Mỹ vào tháng 9, cáo buộc nền tảng này là một "quả bom hẹn giờ chứa đầy lỗ hổng bảo mật".
Khoảng 5.000 trong số 7.500 nhân viên của Twitter đã rời công ty kể từ khi Musk nắm quyền kiểm soát, bao gồm cả cố vấn cấp cao và Giám đốc quyền riêng tư.
Nghi vấn tấn công người dùng
Trong khi đó, cảnh sát ở thành phố South Pasadena tìm cách thẩm vấn đội an ninh của tỷ phú về một sự cố mà Musk cho rằng "đe dọa đối với sự an toàn" của gia đình ông. Nó cũng là nguyên cớ được CEO Twitter đưa ra để trừng phạt người dùng.
Vụ việc xảy ra vào tối ngày 13/12, nhà chức trách ở Nam Pasadena thuộc Los Angeles nhận được thông tin về một vụ tấn công bằng phương tiện giao thông. Theo tuyên bố của cảnh sát, nạn nhân nói rằng một người đã chặn đầu xe, cáo buộc anh ta đi theo xe của họ trên xa lộ.
Khi người rời đi, xe của anh ta bị tông. Cả 2 bên đều ghi lại video diễn biến vụ việc. Nạn nhân, một nam giới 29 tuổi đến từ Connecticut không xác định được nghi phạm hoặc liệu vụ việc xảy ra ngẫu nhiên hay có vấn đề gì khác.
2 ngày sau, nhà chức trách xác định nghi phạm là một thành viên trong đội an ninh của Musk. Khi đó, vị tỷ phú không có mặt tại hiện trường. Các điều tra viên đang cố gắng tiếp cận Musk và đội an ninh của ông để lấy lời khai.
Tuần trước, Musk đã tweet về một sự cố xảy ra cùng thời điểm. Ông nói rằng một "kẻ theo dõi điên rồ" đã chặn một chiếc ôtô và trèo lên mui xe. Musk nghi ngờ vụ việc có liên hệ với một tài khoản Twitter chuyên theo dõi vị trí chiếc máy bay riêng của ông.
Sau sự cố, Elon Musk tuyên bố sẽ khóa tất cả tài khoản tiết lộ vị trí riêng tư và kiện chủ nhân tài khoản @ElonJet, người chuyên theo dõi máy bay riêng của ông.