Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham quan gian hàng tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022
Liên kết ba bên hiệu quả
Từ đầu tháng 5 đến nay, hàng chục hội nghị kết nối tiêu thụ, tuần lễ trái cây, ngày hội nông sản,… đã diễn ra trên khắp cả nước, từ Bắc Kạn, Sơn La, Hải Dương, Hà Nội đến Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp,… Không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố, mà các quận, huyện trực thuộc cũng tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, kết nối cung - cầu để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản đến vụ.
Có thể thấy những ngày qua các tỉnh, thành phố và các hệ thống phân phối đã bận rộn thế nào trong công tác thúc đẩy tiêu thụ trái cây, nông sản tại thị trường nội địa.
Để có những hoạt động sôi nổi như vậy, ngay từ cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chỉ thị nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho 8 đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương và Hiệp hội ngành hàng trong đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản.
Rõ ràng, khi mà hoạt động thông quan tại các cửa khẩu chưa thể bứt tốc, thì chuyển hướng tiêu thụ tại thị trường trong nước là phương án hoàn toàn khả thi và hợp lý.
Có thể nhìn thấy ở các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản năm 2022 một điểm nổi bật là liên kết ba bên chặt chẽ giữa địa phương - cơ quan quản lý - hệ thống phân phối ngày càng chặt chẽ hơn. Sự thúc đẩy tích cực của Bộ Công Thương và chủ động kết nối của địa phương đã trở thành động lực cho doanh nghiệp vào cuộc nâng tầm thương hiệu nông sản, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân.
Liên kết này đã cho thấy hiệu quả khá rõ rệt khi hình thành chuỗi tiêu thụ từ sản xuất đến logistics rồi đến phân phối, trên nền tảng điều kiện thuận lợi của cơ chế, chính sách quản lý. Đặc biệt, chuỗi tiêu thụ đã quay trở lại đặt ra những tiêu chuẩn mới cho nông sản, đòi hỏi chất lượng cao hơn, đóng gói và bao bì tốt hơn; cũng chính là yêu cầu người sản xuất phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, điều chỉnh thời vụ.
Sự trỗi dậy của thương mại điện tử
Một điểm đáng chú ý hơn, đó là các hoạt động xúc tiến tiêu thụ đang dần gắn nhiều hơn với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.
Trước đó, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương cũng không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành, logistics.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các UBND tỉnh, các Sở Công Thương địa phương, sự kết nối từ Bộ Công Thương và sự hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada,… việc phân phối nông sản vào chính vụ của người dân trên các nền tảng trực tuyến đã bài bản, quy trình dễ dàng hơn, các giải pháp số trong nông nghiệp đa dạng và dần nâng cao được giá trị của các sản phẩm nông sản của địa phương.
Các hộ dân tại Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên được đào tạo, hướng dẫn cụ thể về cách đăng ký gian hàng, cách thức bán hàng, đăng bán sản phẩm, quản lý đơn hàng … cho các sản phẩm Vải thiều Bắc Giang, Mận Sơn La, Nhãn Hưng Yên, Bí xanh Bắc Kạn…
Dù mới vào đầu mùa, sàn thương mại điện tử Postmart đã kết nối với các tỉnh, thành và tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi. Điển hình như na Lạng Sơn tiêu thụ gần 100 tấn, nhãn Đồng Tháp, Hưng Yên tiêu thụ được gần 300 tấn, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đạt 163 tấn…
Theo ông Phan Trọng Lê - Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), trung bình mỗi ngày lượng truy cập vào sàn Postmart.vn đạt gần 10.000 lượt, tăng mạnh so với trước. Đa số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên thương mại điện tử đang tạo ra “làn sóng” mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các kênh thương mại điện tử tăng cường hướng dẫn người nông dân về quy chuẩn sản phẩm và cách đăng ký kinh doanh, bán nông sản trên sàn
Không chỉ phủ sóng thị trường trong nước, nhiều mặt hàng nông sản Việt cũng đang vươn đến quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Những cái “bắt tay” giữa Bộ Công Thương với Amazon Global Selling hay Alibaba.com từ năm 2019 đến nay đang được hiện thực hóa bằng loạt hoạt động đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và người bán hàng trong nước đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa - trong đó có nông sản - ra thị trường quốc tế.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam năm 2021, trong vòng một năm, 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới. Tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam qua Amazon tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Tức là, cứ 15 phút lại có một sản phẩm Việt Nam được bán ra trên sàn thương mại điện tử toàn cầu này.
Trong đó, ngày càng có nhiều các nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon. Một vài loại sản phẩm nông ngư sản có thể kể đến là gạo, bánh tráng, hạt điều, cà phê hoặc các sản phẩm sấy khô. Một startup nông nghiệp là Rong Nho Trường Thọ đã khẳng định cách làm đúng trên thương mại điện tử khi dịch bệnh Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ vào năm 2020, doanh thu từ Amazon đã đóng góp 35% tổng doanh thu của Rong Nho Trường Thọ.
Nhóm hàng nông thủy sản cũng được các chuyên gia nhận định là lợi thế của Việt Nam phù hợp với xu hướng tiêu dùng trên Amazon trong những năm tới nếu nắm bắt tốt các quy định, quy chuẩn về hàng hóa tiêu dùng liên quan đến thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Tổ chức lại sản xuất cho xuất khẩu “thời gian thở”
Nhìn sang câu chuyện nông sản tại các cửa khẩu biên giới, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, ngày 29/5/2022, tổng lượng xe xuất khẩu tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 210 xe, trong đó có 169 xe trái cây. Trong khi đó, có tới 283 xe vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên trong 24 giờ, phần lớn chở trái cây tươi.
Dù các thông báo đã liên tục được phát ra về vấn đề xe hàng nằm chờ tại cửa khẩu, thì lượng xe mới lên các khu vực cửa khẩu mỗi ngày vẫn rất nhiều. Đáng lo nhất là các xe chở trái cây tươi, khi mặt hàng này không thể bảo quản được lâu.
Áp lực cho hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới vẫn rất lớn
Việt Nam có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt. Chưa kể đến những loại trái cây có mùa vụ quanh năm, thì hiện là thời điểm vào mùa của các loại trái cây nhiệt đới như nhãn, vải, chôm chôm, mít, măng cụt. Người nông dân và thương nhân sau khi thu hoạch, đóng gói, lập tức chất hàng lên xe chuyển lên khu vực cửa khẩu với hy vọng tiêu thụ nhanh chóng, nên áp lực tại cửa khẩu khi đến mùa các loại trái cây này cũng là dễ hiểu.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước bạn Trung Quốc theo đuổi chính sách zero-COVID, năng lực thông quan tại các cửa khẩu - dù đã được tăng cường hơn - vẫn không đủ để đáp ứng lượng xe lớn dồn về biên giới mỗi ngày.
Để giảm áp lực cho cửa khẩu, vấn đề cần được giải quyết từ gốc sản xuất, thông qua đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng cây ăn quả để tăng cường quản lý vùng trồng, nắm sát sản lượng, chất lượng từng loại quả.
Đối với các loại trái cây có mùa vụ quanh năm như xoài, thanh long, chuối,…, rất cần có tổ chức sản xuất rõ ràng theo hướng rải vụ linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ.
Mặt khác, nếu trái cây nói riêng và nông sản nói chung trải qua thêm khâu chế biến, không chỉ sản phẩm bán được giá hơn, thời gian bảo quản lâu hơn, mà hoạt động xuất nhập khẩu cũng có thời gian “thở”, bớt đi áp lực phải thông quan dồn dập hàng trăm xe nông sản mỗi ngày khi đến vụ. Thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào mảng bảo quản và chế biến cần có chính sách, cơ chế hấp dẫn hơn.
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phân tích thấu đáo và thẳng thắn chỉ ra, việc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thời gian qua cho thấy chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản của chúng ta còn có nhiều bất cập. Bộ trưởng cho rằng cần thay đổi nhận thức từ khâu sản xuất tới tiêu thụ nông sản; cần hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả của công tác điều hành đối với các hoạt động này.
Câu chuyện ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới có lẽ chưa thể giải quyết triệt để ngay trong bối cảnh nước bạn Trung Quốc còn tiếp tục theo đuổi chính sách zero-COVID, nông sản trong nước đang được thúc đẩy tiêu thụ qua giải pháp chuyển hướng thị trường và phương thức phù hợp hơn, nhưng xa hơn vẫn cần sớm triển khai tổ chức lại sản xuất để giảm thiểu áp lực cho hoạt động xuất khẩu.